Video: Ông chủ cà phê Trung Nguyên: 'Cuộc hôn nhân này cần phải kết thúc'
"Sáng nay báo chí đưa tin, con trai tôi ở nước ngoài nhắn về nói 5 năm qua mẹ đã quá khổ nên không cần nhường nhịn gì. Vả lại, sáng nay anh Vũ không đồng ý nên tôi đề nghị toà án tiếp tục xét xử, tôi giữ nguyên yêu cầu ly hôn anh Vũ" - bà Thảo nói trước tòa.
Ông Vũ: "Tôi không giữ mấy đứa nhỏ làm con tin"
Về việc chia tài sản, bà Thảo uỷ quyền cho người đại diện trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX). Theo người đại diện, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hôm nay đều xuất phát từ tranh chấp ở Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, nơi ông Vũ và bà Thảo nắm giữ 90% cổ phần.
Ông Vũ đã dùng quyền lực không cho bà Thảo tiếp cận công ty, đuổi bà Thảo ra khỏi công ty. Người đại diện của bà Thảo cho rằng mâu thuẫn này quá trầm trọng, đề nghị tòa phân xử chia cho bà Thảo 51% cổ phần, ông Vũ 39% cổ phần tại công ty này.
Đối với cổ phần trong Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, tổng số cổ phần của 2 vợ chồng là 30%, bà Thảo đề nghị chia đôi, mỗi người được là 15% cổ phần.
Đại diện Viện kiểm sát (VKS) hỏi ông Vũ: "Kể từ khi bà Thảo làm đơn ly hôn, đã bao giờ ông gặp trực tiếp các con để nghe nguyện vọng muốn ở với cha hay với mẹ?". "Không bao giờ dám làm tổn thương đến tụi nó. Tôi không giữ mấy đứa nhỏ làm con tin" - ông Vũ đáp.
"Ông có biết nguyện vọng của các con?" - đại diện VKS hỏi tiếp. Ông Vũ trả lời: "Tôi không bao giờ đề cập đến chuyện sống với cha hay với mẹ".
Đại diện VKS hỏi bị đơn về việc đã nộp một số tài liệu cho toà án, có thể công khai các tài liệu này không. Ông Vũ cho rằng những tài liệu nộp cho toà án không phải là chứng cứ, chỉ là những bài báo nói về vai trò tư tưởng, tinh thần của ông Vũ, không đề cập đến tài sản.
Luật sư: "Vì sao cần chia cho bà Thảo 51%?"
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho nguyên đơn) chia sẻ sự đáng tiếc của ông đối với việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo hoà giải không thành.
Luật sư cho rằng bà Thảo đã có một quá trình gắn bó với ông Vũ trong việc điều hành Trung Nguyên. Việc ông Vũ tước quyền điều hành của bà, không cho bà vào công ty đã khoét sâu mâu thuẫn.
Thời gian đầu bà Thảo nhìn nhận cuộc sống ban đầu rất hạnh phúc, hai người đến với nhau bằng tình yêu cao đẹp, cùng nhau tạo dựng nên, đi từ khốn khó. “Quán cà phê đầu tiên của vợ chồng ông đấu lưng vào nhà tôi, tôi vẫn nhớ mùi rang cà phê đêm đêm” ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, trong thâm tâm bà Thảo muốn được quay trở về hai bên hàn gắn cuộc sống vợ chồng, làm chỗ dựa cho các con. Các luật sư đã ngồi lại với nhau để tìm hiểu mâu thuẫn, nguyên nhân đổ vỡ, vì ông Vũ và bà Thảo là những doanh nhân, là hình ảnh tiêu biểu của xã hội.
Mâu thuẫn bắt đầu khi ông Vũ thẩm thấu được những triết lý mới cho Tập đoàn Trung Nguyên, nhưng trong bước đi của Tập đoàn Trung Nguyên đó hoàn toàn không có bóng dáng của bà Thảo và 4 đứa con.
Trước toà, bà Thảo bày tỏ mong muốn quay về làm người vợ, người mẹ. Thậm chí hôm nay thẩm phán đã gợi ý bà Thảo sang Singapore để chăm sóc 4 đứa con đi, để lại tài sản cho ông Vũ. Nhưng điều đó làm sao có thể là một gia đình. Mục đích hôn nhân đã không đạt được!
Trong quãng thời gian tìm kiếm nghĩ suy để đưa Trung Nguyên hướng tới những tầm cao mới thì ông Vũ không có nhiều thời gian chăm sóc các con. Bốn người con đã có lá thư xin cha cho 5% tài sản để tạo dựng tương lai là điều có thể hiểu được. Các con đang trong chờ sự quan tâm, chăm lo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét nguyện vọng của bà Thảo và các con để tạo điều kiện cho các cháu gầy dựng tương lai.
Về tài sản, có nhiều ý kiến về khối tài sản chung, luật sư Hoài cho rằng khối tài sản này được tạo lập từ năm 1998, giá trị tâm sức của người phụ nữ là rất lớn. Thậm chí, một người phụ nữ ở nhà nội trợ thôi cũng ngang bằng với tâm sức của người chồng lao động bên ngoài. Vì thế, theo luật sư Hoài, việc chia theo tỉ lệ 70-30 là thiếu căn cứ.
Luật sư Hoài cho rằng việc ông Vũ khởi nghiệp cùng với 4 người bạn là không thể phủ nhận. Bà Thảo đã từng nói công khai ông Vũ chồng bà là người có tư chất thông minh, đã cùng bà gầy dựng nên Tập đoàn Trung Nguyên. Các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên đều được tạo lập khi ông bà kết hôn. "Các luật sư bảo vệ ông Vũ có thể đo đếm được công sức của mỗi người là bao nhiêu không?" - ông Hoài đặt vấn đề.
Ngoài ra, theo luật sư Hoài, phần phát triển Trung Nguyên ra quốc tế có vai trò quan trọng của bà Thảo. Về mặt nhân thân, bà Thảo sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện vào thời điểm đó: cha mẹ kinh doanh vàng bạc đá quý. Sau khi tốt nghiệp bà vào làm việc tại tổng đài và gặp ông Vũ.
"Với diễn biến khách quan có thể khẳng định bà Thảo đóng vai trò, công sức chính yếu vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng cần chia cho bà Thảo 51%. Không thể đẩy bà Thảo ra bên ngoài" - luật sư Hoài lập luận.
Đề nghị chia cho các con 5% cổ phần
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, bảo vệ cho bà Thảo, cho rằng với tư cách là đồng sở hữu bà có quyền đề ra phương án phát triển cho tập đoàn Trung Nguyên. Vì vậy bà Thảo cần được chia nhiều hơn, cụ thể là 51% cổ phần ở Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên để bà không bị vô hiệu hoá. Các công ty khác ông Vũ vẫn chiếm ưu thế.
Luật sư Nghĩa đề nghị chia 5% cổ phần vì các cháu đều ăn học ở nước ngoài chi phí rất cao. Các cháu có nguồn kinh phí ngay lập tức. Bà Thảo không phải là nhân viên của Tập đoàn, không phải giám đốc để ăn lương. Ông Vũ cho rằng ông bổ nhiệm bà Thảo để lầm tưởng rằng quyền của bà Thảo do ông Vũ giao cho. Đó không phải là tư cách của cổ đông, tư cách của người đồng sở hữu.
“Ở đây anh Vũ đã yêu cầu toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gửi thư cho khách hàng quốc tế không để công ty kinh doanh. Nhân đây tôi cũng đề nghị anh Vũ chấm dứt kiện tụng ở Singapore. Đã ly hôn hãy để con thuyền của bà Thảo bình yên ra khơi. Đã ly hôn đừng để các con đau lòng!” - luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Bà Thảo: "Tôi thấy quyết định ly hôn là sáng suốt"!
Phản bác ý kiến của phía nguyên đơn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ phát biểu: “Người vợ tôi, gây tổn thương không chỉ cho tôi mà còn gây tổn thương cho gia đình, cả tập thể Trung Nguyên. Không ai phá Trung Nguyên như cô. Tôi chưa bao giờ đẩy các con tôi đi đâu. Để cho bà nội nó nuôi, tôi đủ điều kiện. Đặt tên cho mấy đứa nhỏ là Thảo Nguyên, Bình Nguyên, Trung Nguyên là thương hiệu của Trung Nguyên.
"Một người phụ nữ không chỉ một sớm một chiều mà biết làm những điều đó. Vợ chồng không thể sống bằng cái giả. Tôi chỉ nói bổ sung như vậy. Có thể hỏi bất cứ người anh em Trung Nguyên hiện nay. Đóng góp thì không ai phủ nhận nhưng nói là linh hồn người ta cười. Tôi đã nói rồi, về đi, về chăm lo gia đình...” - ông Vũ nói.
Bà Thảo đứng bật dậy phản ứng: “Nhiều ngày hôm nay tôi không thể chấp nhận sự lăng mạ tôi. Hơn 20 năm nay tôi dã dành hết tâm huyết chăm lo cho gia đình này. Hôm nay tôi thấy quyết định ly hôn là quyết định sáng suốt. Anh làm rất nhiều điều với tôi hơn 20 năm qua nhưng tôi không nói vì tôi giữ gìn hình ảnh của ánh trong mắt các con. Bản thân tôi là phụ nữ nhưng tôi quyền được sống như một con người. Anh Vũ nên chấm dứt, tôi không cho anh xúc phạm tôi. Mẹ tôi rất bức xúc về việc này. Mẹ tôi đòi lên tới đây nữa”.
Trước lời “đấu tố” của vợ, ông Vũ lớn tiếng: “Những gì tôi chịu đựng đã quá. Tôi không thể cãi qua cãi về bằng cô. Tôi đã khuyên cô, nhìn cái gì hãy nhìn bằng tâm của mình, quay đầu lại”!
Đồng ý cấp dưỡng cho 4 con 10 tỉ đồng/năm
Luật sư Hoàng Hữu Nhân (bảo vệ cho ông Vũ) cho rằng ông Vũ yêu thương con vô bờ bến nên không muốn các con tổn thương vì cuộc ly hôn của cha mẹ. Ông Vũ tôn trọng sự lựa chọn của các con, đồng ý cấp dưỡng cho 4 con 10 tỉ đồng/năm. Trong phiên toà chiều nay, bà Thảo cũng đồng ý mức cấp dưỡng này.
Nhưng ông Vũ cũng có một yêu cầu nếu tòa án giao các con cho bà Thảo trực tiếp nuôi dưỡng thì ghi vào bản án là ông được quyền chăm sóc, thăm non các con mà không ai được cản trở, được quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con. Ông đề nghị toà án ghi nhận nguyện vọng gia đình bên nội được đón các con về nhà dịp cuối tuần để các con không thiếu tình thương của cha.
Luật sư Nhân cho biết số tài sản nhiều, nhưng 2 bên thống nhất phân chia 13 bất động sản đủ điều kiện tranh chấp. Ông Vũ đề nghị bà Thảo đồng ý nhận theo đề xuất phân chia của ông là hơn 370 tỉ đồng và tài sản khác trị giá 350 tỉ đồng.
Về vàng và tài sản tại các ngân hàng hơn 2.000 tỉ, ông Vũ giữ nguyên yêu cầu xem xét chia cho ông Vũ 70% (tức ông Vũ được khoảng 1.472 tỉ) và bà Thảo được 30%. Căn cứ các quyết định định giá tại Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ yêu cầu toà án chia 70-30, trong đó ông Vũ được chia 70%. Tóm lại, tổng giá trị cổ phần của ông Vũ trị giá 3.958 tỉ đồng, phần cổ phần của bà Thảo trị giá 1.696 tỉ đồng.
Đối với tài sản chung gồm vàng, tiền mặt, vốn góp vẫn chưa thống nhất được có giá trị 7.700 tỉ đồng, theo đề nghị của ông Vũ, ông Vũ được hưởng 70%, tức được hưởng hơn 5.000 tỉ, còn bà Thảo được hưởng hơn 2.000 tỉ.
Theo luật sư Nhân, mâu thuẫn giữa ông Vũ và bà Thảo là rất gay gắt, sẽ ảnh hưởng đến Trung Nguyên nếu bà Thảo tiếp tục là cổ đông của công ty. Hơn nữa bà Thảo đã tạo dựng thương hiệu riêng, hãng Kinh Coffee đã và đang cạnh tranh với Trung Nguyên. Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị HĐXX có phán quyết phù hợp, tiếp sức cho ông Vũ thực hiện ước mơ mà nói như ông Vũ “Trung Nguyên thành công sẽ làm rạng danh dân tộc”.
Cùng bảo vệ cho ông Vũ, luật sư Trương Thị Hoà cũng cho rằng cảm thấy rất buồn khi không hoà giải được hai bên. "Theo luật sư của nguyên đơn, các luật sư tìm ra ai là người có lỗi và theo Luật Hôn nhân gia đình sẽ giảm phần tài sản được phân chia. Bước chân vào nghề luật sư 50 năm nhưng lần đầu tiên chúng tôi tham gia 1 vụ án ly hôn được rất nhiều người quan tâm. Tôi hy vọng bản án ly hôn này có thể giúp cho mọi người là chồng là vợ nhìn nhận lại" - luật sư Hòa nói.
Luật sư Hoà mong muốn ông Vũ và bà Thảo là những doanh nhân, nhưng sau bản án ly hôn này không ngày càng cách xa hơn. Mong ông bà sớm ổn định cuộc sống để hơn 5.000 người lao động không bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Hòa, ông Vũ luôn nhắc nhở tổ luật sư tự vệ chứ không tấn công và phải nói sự thật. Chính tinh thần đó, phía bị đơn cũng cho rằng không chỉ có pháp lý không mà cần có đạo lý. "Ông Vũ khen các luật sư nguyên đơn đã bảo vệ nguyên đơn bằng cảm xúc mà tổ luật sư chúng tôi chưa có được. Chúng tôi mong HĐXX sẽ xem xét nỗi đau khổ của người đàn ông này, để những tranh luận trong phiên toà không làm rạn nứt thêm" - luật sư Hòa nói.
Luật sư đề nghị HĐXX huỷ các biện pháp khẩn cấp tạm thời vì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động công ty.
Theo Tuyết Mai (Tuổi Trẻ)