Tình hình đại dịch diễn tiến liên tục đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dùng chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến. Giới thương mại điện tử dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời kỳ bình thường mới.
Trong chia sẻ mới đây, Shopee đã đưa ra 3 dự đoán chung cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021. Trước đó, nhiều động thái và nhận định của các sàn lớn khác cũng đang chứng minh cho các xu hướng chung này.
Thanh toán kỹ thuật số phát triển
Thanh toán kỹ thuật số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Theo ghi nhận của Shopee, tổng số đơn đặt hàng được thanh toán qua ví điện tử Airpay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Đáng chú ý, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết thị trường là người dùng trên 50 tuổi.
Theo các chuyên gia, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử cũng sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các cửa hàng. Các điểm kinh doanh offline cũng nhận thức được xu hướng này và ngày càng thân thiện hơn với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số.
AirPay cho hay, số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam của ví này đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020, bao gồm những đối tác như 7-Eleven, MyKingdom và Guardian.
"Sự gia tăng trong việc áp dụng thanh toán điện tử ở Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính hợp tác và đưa ra nhiều phương thức thanh toán an toàn và liền mạch thông qua các điểm giao dịch", bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra nhận định khi hợp tác với VietUnion (Payoo) để triển khai loạt ưu đãi, nhằm khuyến khích thanh toán không tiếp xúc giữa tháng trước.
Dịch vụ hậu cần ngày càng quan trọng
Dịch vụ hậu cần ngày một trở nên quan trọng hơn khi người tiêu dùng mong đợi nhiều về chất lượng giao hàng. Nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng có sự gia tăng đáng kể là một minh chứng. Tại Việt Nam, các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, sức khỏe và gia đình được vận chuyển từ kho hàng của Shopee đã tăng 2 lần.
Do vậy, các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm. Để hỗ trợ các nhà bán hàng và làm hài lòng hơn người tiêu dùng, các sàn lớn đã và đang tập trung đầu tư mạnh cho logistics.
Năm 2020, Shopee Express, dịch vụ chuyển phát nhanh của Shopee, đã mở rộng phạm vi hoạt động đến cả khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng này đã khai thác triệt để cơ sở hạ tầng hậu cần với số lượng mặt hàng được vận chuyển từ kho tăng gấp 3 lần.
Trong khi đó, Lazada Việt Nam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng logistics tích hợp, với 2 trung tâm phân phối, 2 trung tâm phân loại hàng hoá tự động, 70 trung tâm giao nhận hàng và khoảng 700 điểm gửi, nhận hàng toàn quốc. Đơn vị này đang có "Dự án Apollo", một nền tảng ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn, để tập trung, tích hợp toàn bộ việc quản trị mạng lưới và dữ liệu; phân bổ và tối ưu các tuyến đường cũng như quản lý chi phí.
"Chúng tôi đã tập trung đầu tư hàng chục triệu USD mỗi năm vào hệ thống logistics, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực", ông Richard Triều Phạm, Phó tổng giám đốc tài chính Tiki nói trong một chia sẻ hồi đầu năm.
Điều này góp phần vào lượng khách hàng trên sàn Tiki đã tăng đến 4 lần kể từ 2017, chi tiêu của một khách hàng trên sàn cũng tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, chi phí logistics trên một đơn hàng của họ đã giảm hơn 25% trong năm 2020 và tỷ lệ trả hàng chỉ dưới 1%.
Đổi mới trong chiến lược bán lẻ
Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến các doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh có doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng.
Ví dụ, một thương hiệu mỹ phẩm đã tích hợp giải pháp công nghệ làm đẹp được hỗ trợ bởi AI, có tên Skin Advisor Live vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên Shopee. Nó cho phép khách hàng trải nghiệm quá trình phân tích chăm sóc da được cá nhân hóa trực tuyến miễn phí và đưa ra quyết định mua sắm tốt hơn.
Cùng với đó, thương hiệu này cũng tận dụng các công cụ tương tác đang "hot" như livestream để bán hàng. Theo ông Trần Tuấn Anh, CEO Shopee Việt Nam, 2020 "mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt" với ngành thương mại điện tử. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí.
"Điều này dẫn đến việc mua sắm trực tuyến phát triển từ trải nghiệm giao dịch thuần túy sang trải nghiệm mang tính xã hội hơn, các nền tảng thương mại điện tử tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng", ông Tuấn Anh nhận định.
Cơn sốt livestream và chơi mini game trên các ứng dụng thương mại điện tử sẽ tiếp tục trong năm nay. Tại lễ hội mua sắm đón Tết Tân Sửu hồi tháng trước, tổng lượt xem Lazlive trên Lazada tăng hơn 6 lần so với lễ hội mua sắm Tết 2020. Cùng với đó, hoạt động livestream trong 48h kết hợp giữa các tập Siêu Hội Chém Giá và đại nhạc hội Lazada Super Show đã thu hút hơn 15 triệu lượt xem.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
iPrice Group nhận định, với đà phát triển này, các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ đón nhận những cơ hội và đó cũng là thách thức khi các sàn phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc "tăng trưởng thần tốc" có thể đi kèm với những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, mong muốn đạt mức tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận lại là ý tưởng an toàn ở thời điểm biến động hiện nay.
Theo Viễn Thông (VnExpress.net)