Đây là nội dung đáng chú ý trong Công văn số 362/LĐTBXH-BHXH ngày 22/02/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ về quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Công văn số 362/LĐTBXH-BHXH nêu rõ, đối tượng thuộc một trong những trường hợp dưới đây sẽ đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021, cụ thể:
Thứ nhất, lao động nam sinh tháng 12/1960 và lao động nữ sinh tháng 12/1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Thứ hai, đối với lao động nam sinh tháng 12/1965 và lao động nữ sinh tháng 12/1970 thuộc một trong các trường hợp: Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021); được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% trước ngày 1/1/2021.
Thứ ba, lao động nam sinh tháng 12/1970 và lao động nữ sinh tháng 12/1975 được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trước ngày 1/1/2021.
Với các trường hợp khác, thời điểm hưởng lương hưu tương ứng theo tháng, năm sinh.
Hướng dẫn mới về tuổi nghỉ hưu
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có Công văn 362/LĐTBXH-BHXH về việc thực hiện Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, trả lời Công văn 252/BHXH-CSXH ngày 27/01/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị làm rõ một số nội dung vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
- Đối với trường hợp lao động nam sinh tháng 12 năm 1960 và lao động nữ sinh tháng 12 năm 1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường; lao động nam sinh tháng 12 năm 1965 và lao động nữ sinh tháng 12 năm 1970 có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 hoặc được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% trước ngày 1/1/2021; lao động nam sinh tháng 12 năm 1970 và lao động nữ sinh tháng 12 năm 1975 được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021.
Với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 135/2020/NĐCP, trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
- Việc xác định số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% được căn cứ vào thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động.
- Việc xác định “đủ tuổi hưởng lương hưu” để làm cơ sở xem xét, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điểm a khoản 1 Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội được căn cứ vào tuổi nghỉ hưu tại năm người lao động đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
- Việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp hàng tháng đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc cho giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng, đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)