Thực hư thông tin 'Từ 2021, tiền lương của chồng có thể chuyển về tài khoản vợ'

31/12/2020 09:08:01

Những ngày qua, nhiều trang mạng xôn xao trước thông tin từ ngày 01/01/2021, theo quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ.

Nhiều bài viết căn cứ vào khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), cụ thể: "Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, thông tin "Từ ngày 01/01/2021, tiền lương của chồng có thể chuyển về tài khoản vợ" chỉ là sự hiểu nhầm.

Thực hư thông tin 'Từ 2021, tiền lương của chồng có thể chuyển về tài khoản vợ'
Ảnh minh họa

Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại, nếu người lao động không thể đến công ty nhận lương trực tiếp và công ty đồng ý để người được người lao động ủy quyền nhận lương thay thì công ty vẫn chuyển lương cho người nhận thay một cách bình thường mà không phải đợi đến ngày 01/01/2021 mới thực hiện được. Đồng thời hợp đồng ủy quyền được lập dựa trên quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015.

Việc Bộ luật Lao động năm 2019, bổ sung quy định "Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp" là nhằm phù hợp với pháp luật về Dân sự. Cần phải hiểu đúng về quy định này như sau:

- Thứ nhất, người lao động không thể nhận lương trực tiếp, có nghĩa là chỉ khi nào người lao động không thể nhận lương trực tiếp, như là bị bệnh, nằm viện… không thể đến công ty nhận lương được mà phải cần người nhận thay thì mới được ủy quyền (đây là điều kiện cần).

Nếu người chồng khỏe mạnh, đủ khả năng để đến công ty nhận lương, nhưng vợ khuyên chồng không đến công ty nhận lương mà ủy quyền cho vợ, yêu cầu công ty chuyển tiền lương của chồng qua tài khoản của mình thì không thỏa điều kiện cần này.

- Thứ hai, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp, có nghĩa là cho dù đáp ứng điều kiện cần nêu trên nhưng người sử dụng lao động từ chối trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp thì cũng không được nhận lương thay; vì luật quy định là có thể chứ không quy định bắt buộc; chỉ khi nào người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người nhận thay theo ủy quyền thì mới được nhận thay (đây là điều kiện đủ).

Thực tế, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh bị kẻ gian lừa đảo thì nhiều công ty không cho người khác nhận thay tiền lương của người lao động; nếu người lao động bị bệnh không thể đến công ty nhận lương thì công ty cử người đến phát lương tận tay người lao động. Trong trường hợp này, các công ty từ chối trả lương cho người nhận thay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật.

Luật Sư Phạm Thanh Hữu 

Theo Tổ Quốc

Nổi bật