230 triệu/m2 nhà trong ngõ sâu ở Hà Nội: Có thực sự dễ bán hay chỉ là sốt ảo?

16/11/2024 09:01:16

Thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu khởi sắc, trong khi nhiều huyện ngoại thành tổ chức đấu giá, khởi điểm ở mức cao, thì đất thổ cư ở nội thành cũng tăng chóng mặt.

Có nhiều người sẵn sàng xuống tiền?

Mới đây, theo khảo sát trong một phóng sự của Đài Truyền hình Hà Nội, một căn nhà diện tích 30m2 ở Vạn Phúc, Hà Đông, mặt ngõ chưa tới 2m được chào bán với giá gần 8 tỷ đồng; một căn nhà khác diện tích tương đương trong ngõ ở đường Kim Giang, Thanh Xuân được rao bán hơn 7 tỷ đồng. Đặc điểm chung có thể thấy giữa 2 căn nhà này là giá mỗi mét vuông gần 230 triệu, đều nằm sâu trong ngõ hẹp, xây và sử dụng đã nhiều năm nhưng giá bán như nhà mặt phố.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường khu vực Hữu Hòa Thanh Oai, Hà Nội hiện đang được nhiều người quan tâm, trong số này đa số là những người môi giới và đầu tư.

Chị Hoàng Thị Quyên, quê ở Ninh Bình, hiện có căn nhà trong ngõ sâu đủ hai xe máy tránh nhau, cho hay, do trước đó nhiều năm chị Quyên từng giao dịch mua căn nhà nên số điện thoại vẫn còn lưu trên mạng xã hội. Mới đây, nhân viên văn phòng nhà đất gọi điện hỏi thông tin để môi giới cho khách. Tuy nhiên trên thực tế, những căn nhà loại gần như không có tính thanh khoản.

230 triệu/m2 nhà trong ngõ sâu ở Hà Nội: Có thực sự dễ bán hay chỉ là sốt ảo?
Đất thổ cư trong ngõ ở ngoại thành, chỉ đủ tránh xe máy nhưng có giá giao dịch 120 triệu đồng/ mét vuông

"Căn nhà cấp bốn, diện tích 30 mét vuông, tôi đưa ra giá 120 triệu đồng/mét vuông, sau khi thỏa thuận xuống 110 triệu đồng/ mét vuông thì môi giới vẫn chốt luôn và hẹn lịch đến nhà để ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần giao dịch tiếp theo và nhiều người đến xem đất nhưng chưa ai chịu xuống tiền", chị Quyên cho biết, cách đây 3 năm mua mảnh đất này 32 triệu đồng/ mét vuông.

Cũng tương tự, anh Đoàn Tuấn (quê Mỹ Đức, Hà Nội) có mảnh đất thổ cư hơn 30 mét, trong ngách trên địa bàn huyện Thanh Trì, chia sẻ, cách đây 1 tuần có hai thanh niên gọi điện xin thông tin để môi giới cho người mua.

"Khách trả 180 triệu đồng/ mét vuông vì ô tô không vào được đến nhà. Sau khi thỏa thuận tôi đồng ý và chấp nhận chi phần trăm hoa hồng, tuy nhiên sau nhiều ngày vẫn chưa có ai xuống tiền", anh Tuấn chia sẻ.

230 triệu/m2 nhà trong ngõ sâu ở Hà Nội: Có thực sự dễ bán hay chỉ là sốt ảo? - 1
Khi giao dịch với giá bán rất cao nhưng rất ít khách hàng đồng ý

Một trường hợp khác là gia đình chị Nguyễn Thanh Hà cũng có mảnh đất thổ cư 25 mét vuông ở thị trấn Văn Điển, cho hay, từ hôm nhận cọc của môi giới đến nay không thấy người mua đến làm thủ tục.

"Đã hết hạn hợp đồng đặt cọc, rất tiếc khách chỉ cọc 20 triệu đồng. Thửa đất của gia đình để lại mới làm sổ được vài năm, môi giới giao dịch 3 tỷ đồng, ngay sau khi vợ chồng tôi xác nhận bán thì họ đưa khách đến đặt cọc liền, nhưng theo thời hạn thì có thể khách đã chấp nhận bỏ cọc", chị Hà thông tin.

Cơn sốt đất có dấu hiệu quay đầu

Trao đổi với chúng tôi, anh Mai Văn Long – Trưởng văn phòng giao dịch, thuộc một Xí Nghiệp kinh doanh nhà đất, địa chỉ phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, chia sẻ, giá bất động sản nói chung có hướng tăng trong thời gian qua, tuy nhiên chỉ ở mức từ 2-5%.

Theo anh Long, giá giao dịch của thị trường bất động sản như hiện tại đang ở mức trên 200% là điều vô lý, chắc chắn phải có 'bàn tay' nào đó tạo sóng để thổi giá. Song, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đưa ra lời khuyên:

"Nếu anh chị có hàng đang được hỏi giá cao, hãy bán ngay, đây là thời điểm đỉnh cao nhất về sóng ảo, chỉ một thời gian nữa bất động sản sẽ hạ nhiệt", anh Long phân tích.

230 triệu/m2 nhà trong ngõ sâu ở Hà Nội: Có thực sự dễ bán hay chỉ là sốt ảo? - 2
Các văn phòng môi giới nhà đất được mở ra rất nhiều ở các quận huyện ngoại thành

Trao đổi nguyên nhân giá nhà đất thổ cư bất ngờ tăng cao nhưng không có khách "xuống tiền", anh Vũ Việt Linh (Chủ Văn phòng môi giới nhà đất ở quận Hoàng Mai) cho hay, thời điểm này chủ yếu những người mua vào để chờ cơ hội ăn chênh lệch, rất hiếm người mua nhà để ở mà chấp nhận giá quá cao so với mặt bằng.

"Bên môi giới sẽ tìm kiếm nguồn cung, làm giá, sau đó lắp ghép thông tin này cho người đầu tư. Tiếp theo đó, người đầu tư sẽ đặt một ít tiền cho chủ nhà, kéo dài thời gian để chờ cơ hội sang tay kiếm lời. Trong trường hợp ", anh Linh tiết lộ, thậm chí những khu vực nóng, môi giới sẵn sàng đặt cọc cho chủ nhà một ít tiền rồi bán ngay để kiếm tiền chênh lệch, nhưng nếu sóng "ảo" đi qua thì họ chấp nhận bỏ cọc.

Trước tình trạng giá nhà đất ngày càng đắt đỏ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý. Đề xuất này nhằm hạn chế việc sàn giao dịch, môi giới có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường, giảm bớt rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.

Theo PV (Phụ Nữ Số)

Nổi bật