2 năm thu 180.000 tỷ đồng thuế kinh doanh thương mại điện tử

26/04/2024 11:03:50

Theo Tổng cục Thuế, 2 năm qua đã thu tổng cộng 180.000 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử này. Người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử được phân theo 2 nhóm chính là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước và xuyên biên giới.

Thông tin về tình hình công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này đã lên tới 3,5 triệu tỷ đồng (tương đương 146 tỷ USD). Trong đó, số thuế đã thu được là 97.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (khoảng 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng.

Hai năm qua, ngành thuế đã thu tổng cộng 180.000 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử này. Người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử được phân theo 2 nhóm chính, là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước và xuyên biên giới.

Trong đó, nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác.

Nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới là những nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác.

Đến nay, đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế với số tiền trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

2 năm thu 180.000 tỷ đồng thuế kinh doanh thương mại điện tử
Ngành thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử trên nền các sàn thương mại, mạng xã hội...

Ngành thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo 8 nhóm nền tảng: sàn giao dịch thương; website/ứng dụng; mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; đại lý; thuê bao; quảng cáo; kho ứng dụng.

Trong hoạt động phối hợp với các bộ, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, Tổng cục Thuế cho biết Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, bao gồm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ ban hành thư ngỏ gửi tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Theo Việt Linh (Tiền Phong)