Mới đây cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trịnh Thị Minh Huế là cán bộ Ban kế toán thuộc tập đoàn FLC và bà Trịnh Thị Thuý Nga - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS để điều tra, làm rõ về tội danh “thao túng thị trường chứng khoán”.
Bà Minh Huế và Thuý Nga đều là em gái của ông Trịnh Văn Quyết. 2 bà này là những người đã "giúp sức" cho anh trai Văn Quyết "thao túng thị trường chứng khoán".
Thông tin trên Dân trí, báo cáo quản trị công ty năm 2021 của Tập đoàn FLC cho thấy, trong danh sách người có liên quan tới người nội bộ công ty ghi nhận, ông Trịnh Văn Quyết có 2 người em gái tên là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Cả hai người em gái của ông Trinh Văn Quyết đều không nắm cổ phần hay chức vụ tại FLC. Tuy nhiên, nếu như bà Huế là một cán bộ của Ban kế toán tập đoàn thì bà Trịnh Thị Thúy Nga lại được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc và là Thành viên HĐQT của Công ty Chứng khoán BOS.
Theo báo cáo quản trị năm 2021 của Công ty Chứng khoán BOS (mã ART), bà Trịnh Thị Thúy Nga sinh năm 1979, có trình độ Thạc sĩ Kinh tế, được bổ nhiệm vào Ban điều hành Chứng khoán BOS từ 30/9/2018. Từ ngày 18/6/2019, bà Nga là Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS nhiệm kỳ 2019-2024.
Cũng theo báo cáo quản trị công ty của Chứng khoán BOS thì cả bà Trịnh Thị Thúy Nga lẫn bà Trịnh Thị Minh Huế đều không còn sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp, trong khi ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 3.156.000 cổ phiếu ART, chiếm tỷ lệ 3,2%.
Trước đó, giai đoạn giữa năm 2018, bà Trịnh Thị Minh Huế sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phiếu ART và chiếm tỷ lệ 2,28% và đến cuối năm 2019, bà Huế có 1,2 triệu cổ phiếu ROS.
Về phần bà Trịnh Thị Thúy Nga, vào giữa năm 2017, em gái ông Trịnh Văn Quyết từng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu ART tuy nhiên không thực hiện thành công. Theo đó, bà Nga là lãnh đạo điều hành doanh nghiệp song không có cổ phần.
Trong vụ việc liên quan đến hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" vừa qua của ông Trịnh Văn Quyết, Doanh Nghiệp & Tiếp Thị đưa tin, cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức.
Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Các tài khoản đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.
Tại các phiên tăng giá, nhóm 20 tài khoản chứng khoán đặt mua 77% tổng khối lượng mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94,% của nhóm.
Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/ cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586đ/cổ phiếu, tăng 64%).
Sau đó, Chủ tịch tập đoàn FLC giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586đ/cổ phiếu, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.
PN (Nguoiduatin.vn)