Khối tài sản "kỳ dị" đưa ông Trịnh Văn Quyết lên vị trí giàu nhất Việt Nam
Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa 2 ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỉ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỉ đồng.
Chất xúc tác tới tài sản của ông Quyết không phải đến từ mã FLC của công ty chính mà lại từ cổ phiếu ROS. Từ khi lên sàn vào nửa cuối năm 2016, chỉ trong 6 tháng, thị giá của ROS đã tăng tới 2.072%. Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn chứng khoán khi sở hữu đà tăng 35 phiên liên tiếp.
Khi đó, thị giá cổ phiếu đạt đỉnh giúp FLC Faros xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE với 75.465 tỉ đồng. Doanh nghiệp này còn vượt vốn hoá Vietinbank (66.649 tỉ đồng); BIDV (56.067 tỉ đồng) hay Tập đoàn Masan (49.572 tỉ đồng).
ROS cũng đóng góp vào khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tới 50.962 tỉ đồng, chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này.
Khối lượng mua vào ROS mỗi phiên đều trên 6 triệu cổ phiếu. Thậm chí trong 10 phiên đầu tháng 3/2017, khối lượng mua vào đều trên 10 triệu cổ phiếu/phiên. Tổng 10 phiên này đã có hơn 126,22 triệu cổ phiếu ROS khớp lệnh mua, trong khi số khớp lệnh bán chỉ là 47,86 triệu đơn vị.
Dấu hỏi lớn đặt lên gia tài khổng lồ
Theo danh sách tỉ phú USD năm 2017 của tạp chí Forbes công bố, Việt Nam ghi nhận 2 tỉ phú USD thế giới, đó là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (2,4 tỉ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air (1,2 tỉ USD).
Trên sàn chứng khoán, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vượt ngưỡng 1 tỉ USD từ cuối tháng 10/2016. Tuy nhiên, đại gia họ Trịnh vẫn chưa được công nhận là tỉ phú.
Trao đổi với báo chí, Janelle Kuah - Giám đốc truyền thông Forbes Châu Á khẳng định: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết. Tính tới thời điểm này, ông Quyết vẫn chưa được xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào mà Forbes xếp hạng”.
Cụ thể, tạp chí này định giá tài sản của các tỉ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỉ phú.
Điều đó cho thấy tài sản trên sàn chứng khoán chỉ là một trong các tham số của Forbes trong việc quyết định đưa tên các đại gia vào danh sách người giàu nhất thế giới.
Việc thống kê tài sản của Chủ tịch FLC thông qua sở hữu các cổ phiếu trên sàn chứng khoán luôn là một dấu hỏi lớn về giá trị cũng như tiềm năng thực sự của FLC, cũng như cá nhân ông Quyết.
Đại gia gốc Vĩnh Phúc cho biết bản thân không quan tâm tới tin đồn, về gia thế, về việc mình bị bắt hay thao túng giá chứng khoán. Nói về thao túng giá cổ phiếu FLC, ông Quyết từng khẳng định bản thân không làm giá.
“Diễn biến giá cổ phiếu rất mang tính thị trường, do cung - cầu quyết định, hôm nay có thể lên, mai lại xuống. Thị trường là như vậy”, Chủ tịch FLC từng khẳng định.
Khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10.01.2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Đức Mạnh (Lao Động)