20 ngân hàng niêm yết tăng vốn điều lệ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có tới 20 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023.
Một số nhà băng chưa thể thực hiện tăng vốn theo kế hoạch, nhưng cho biết sẽ sớm hoàn thành trong quý II/2024.
Đáng chú ý, có tới 12 ngân hàng thương mại niêm yết có quy mô vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, lần lượt gồm: VPBank (79.339 tỷ đồng), BIDV (57.000 tỷ đồng), Vietcombank (55.890 tỷ đồng), VietinBank (53.699 tỷ đồng), MB (52.140 tỷ đồng), ACB (38.840 tỷ đồng), SHB (36.193 tỷ đồng), Techcombank (35.225 tỷ đồng), HDBank (29.000 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng), VIB (25.368 tỷ đồng) và SeABank (24.537 tỷ đồng).
Nếu tính cả Agribank, số ngân hàng thương mại trong nước có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD là 13 ngân hàng.
Trong số các ngân hàng đã thực hiện thành công trong việc tăng vốn điều lệ năm 2023, xét về con số tuyệt đối thì VPBank là nhà băng thực hiện pha bứt tốc nhanh nhất khi vốn điều lệ tăng thêm 11.905 tỷ đồng (17,65%) lên hơn 79.339 tỷ đồng, tương đương 3,26 tỷ USD.
Việc hoàn tất tăng vốn điều lệ mới giúp VPBank củng cố vững chắc ngôi vị số 1 tại Việt Nam về quy mô vốn điều lệ, bỏ xa vị trí thứ hai của BIDV tới 22.334 tỷ đồng và tạo khoảng cách lớn với vị trí thứ ba của Vietcombank, lên đến 23.448 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Trong năm qua, vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 12,69% lên 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,34 tỷ USD, đứng thứ hai toàn thị trường và vẫn dẫn đầu nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.
Vietcombank cũng thành công khi tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.890 tỷ đồng (tăng 18%) và đang là nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ ba toàn hệ thống.
Với việc tăng vốn điều lệ lên 52.140 tỷ đồng (tăng 15%), Ngân hàng MB vươn lên thứ 5 xét về quy mô vốn điều lệ (lần lượt đứng sau VPBank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank), xếp trên cả “ông lớn” Agribank.
Ngoài các ngân hàng niêm yết, năm 2023 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Agribank khi Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt để tăng vốn.
Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến quý II/2023 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Trong số các ngân hàng thương mại, LPBank cũng chứng tỏ được tiềm lực thực sự của mình khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 25.576 tỷ đồng sau khi bầu ra HĐQT mới. Với mức tăng 8.285 tỷ đồng, vốn điều lệ của LPBank đã tăng thêm 48%.
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì OCB mới xứng đáng là “ngựa ô” khi vốn điều lệ tăng thêm 50% so với cuối năm 2022, đạt 20.548 tỷ đồng.
Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng vốn điều lệ cao trong năm 2023 là Eximbank tăng 41% lên 17.469 tỷ đồng; TPBank tăng 39% lên 22.016 tỷ đồng; BVBank tăng 37% lên 5.016 tỷ đồng; Nam A Bank tăng 25% lên 10.580 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn điều lệ tại Techcombank chỉ tăng 0,15% lên mức 35.225 tỷ đồng do năm vừa qua nhà băng này chỉ thực hiện tăng vốn thông qua phương thức phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu ESOP.
Những ngân hàng lỗi hẹn tăng vốn
Trong số các ngân hàng không tăng vốn điều lệ năm 2023, một số ngân hàng như Sacombank, Viet A Bank, VietBank chủ trương không tăng vốn điều lệ ngay từ đầu năm khi không đề cập vấn đề này tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
PGBank cũng không đề cập đến chuyện tăng vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4/2023. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 23/10/2023 sau khi nhóm cổ đông mới chính thức tiếp quản phần vốn từ Petrolimex, ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2023 hoặc 2024.
Đến thời điểm 31/12/2023, vốn điều lệ của PGBank vẫn là 3.000 tỷ đồng, do vậy kế hoạch tăng vốn sẽ phải lùi lại đến năm 2024.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã không thực hiện được kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Chẳng hạn như KienLong Bank, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.652 tỷ đồng lên 4.375 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, phương án này không được thực hiện.
Ngay từ năm 2022, KienLong Bank đã có kế hoạch tăng vốn lên 4.375 tỷ đồng theo hình thức này nhưng cuối cùng ban lãnh đạo ngân hàng vẫn lỗi hẹn với các cổ đông.
Tại Ngân hàng NCB, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.601 tỷ đồng lên 11.801 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải đến tháng 1/2024, NHNN mới chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng của NCB.
Theo đó, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II/2024).
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Saigonbank cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388,9 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Song đến nay, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank vẫn còn bỏ ngỏ.
Vốn pháp định hiện nay đối với các ngân hàng thương mại là tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt trong đó yêu cầu nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)