12 dự án thất thoát, thua lỗ có nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng

22/05/2017 10:43:00

Chính phủ cho biết, sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với các dự án thua lỗ, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Chính phủ cho biết, sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với các dự án thua lỗ, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội

Sáng 22/5, trình bày trước Quốc hội về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt hơn cùng kỳ năm 2016.

Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực hiện. Đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng. Sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ ở hữu chiếm 22,56%, vốn vay chiếm 74,6%, còn lại 2,84% là từ các nguồn khác

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng.

Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thị công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ khẳng định, đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng cho hay, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được kết quả bước đầu, giữ vững an toàn hệ thống.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

 Do đó, căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Theo Văn Kiên (Tiền Phong)

Nổi bật