Chốt phiêu giao dịch 1/4, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT đứng ở mức 111.000 đồng. Vốn hóa thị trường đạt 100.738,23 tỷ đồng. Cổ phiếu FPT đã có một phiên tăng trần ngày 29/3 sau khi vượt mốc 100.000 đồng/cp. Các phiên sau đó, cổ phiếu này tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới, lên 111.000 đồng ngày 1/4.
Cũng tăng khá mạnh trong tuần qua, cổ phiếu MWG của Thế giới di động có phiên tăng trần lên mức 156.000 đồng/cp (1/4). Trong 2 tuần qua, cổ phiếu này đã tăng gần 20%,cao hơn 74% so với thời điểm cách đây một năm. Vốn hoá thị trường của MWG đạt 114.195,82 tỷ đồng.
Mới đây, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 35.657 tỷ và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ, đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Hội đồng Quản trị FPT dự kiến đề xuất phê duyệt chính sách chi trả cổ tức tỷ lệ 40%. Trong đó, cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (10% đã thực hiện chi trả trong năm 2021, 10% còn lại sau khi Đại hội đồng cổ đông phê duyệt); chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% (tỷ lệ 5:1). Thời gian dự kiến trước khi kết thúc quý III/2022.
Trong khi đó, năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt gần 123.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020 và đạt 98% kế hoạch. Trong đó, doanh thu online đạt 14.370 tỷ đồng, tăng 53%. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 25% và vượt 3% kế hoạch.
Năm 2022, MWG đề ra mục tiêu 140.000 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, 6.350 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 14% và 30% so với năm 2021.
Trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất hiện là Vietcombank (291.800 tỷ đồng, tương đương 12,9 tỷ USD). Các doanh nghiệp tiếp theo danh sách này là VinHomes, Vingroup, BIDV, PG Gas, Hoà Phát, AVC trên 200.000 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp vốn hoá trên 100.000 tỷ đồng là Techcombank, Masan, Vinamilk, Novaland, Sabeco,…
Cổ phiếu Vinamilk (VNM) dần đánh mất vị thế và bị các cổ phiếu vốn hóa lớn khác lần lượt vượt mặt. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của Vinamilk chỉ dừng ở mức 170.749,43 tỷ đồng. Cổ phiếu VNM vẫn chưa thoát ra khỏi xu hướng giảm kéo dài từ sau khi chạm đỉnh 3 năm vào đầu tháng 1/2021.
Tâm lý chờ đợi
Thị trường trong nước có phiên giao dịch kết thúc tuần qua trong trạng thái hưng phấn, một phiên tăng thuyết phục về điểm số và vượt ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index đứng ở mức 1.516,44 điểm, tương ứng tăng 17,94 điểm (1,2%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%) xuống 117,19 điểm.
Theo MBS, sức lan tỏa tốt đã giúp đa số các cố phiếu vốn hóa lớn, midcap và smallcap đồng loạt bức phá, không những thế thị trường còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi dòng tiền luôn giữ ở mức cao và khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Cho đến thời điểm này yếu tố tác động bên trong và bên ngoài đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
VCBS cho rằng, thống kê những năm trước trở lại đây cho thấy các chỉ số chứng khoán của Việt Nam thường ghi nhận diễn biến kém tích cực trong tháng 4 và giao dịch cũng không thực sự sôi động, do đó, tâm lý dè dặt của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu.
Trong giai đoạn trước mắt, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như diễn biến từ ĐHCĐ của các doanh nghiệp để lên kế hoạch tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.
Theo Duy Anh (VietNamNet)