Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Các dị vật trên đường lăn, đường cất hạ cánh là mối nguy hiểm lớn cho máy bay- Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Hệ thống này có tính năng tự động phát hiện vật thể lạ với toạ độ cảnh báo chính xác, không can nhiễu tới các hệ thống kỹ thuật của khu bay và máy bay. Đồng thời hệ thống được đánh giá làm hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường băng do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.
Trong các phương án đầu tư Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng được đưa ra, Cục Hàng không đề xuất phương án Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam –ACV, làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. Trường hợp ACV khó thu xếp vốn của mình để thực hiện dự án thì có thể kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.
Được biết trong tổng mức đầu tư của dự án, hệ thống tại Nội Bài có trị giá hơn 486 tỉ đồng, hệ thống tại Tân Sơn Nhất trị giá gần 510 tỉ đồng.
Theo thống kê của ACV, từ năm 2014 đến 2016, tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có 156 vụ dị vật, chim va vào máy bay, riêng năm 2016 xảy ra 20 vụ vật thể lạ làm hỏng lốp, chim va vào máy bay dẫn tới uy hiếp an toàn hàng không.
Trước đó, vào năm 2016, ACV đã trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) trị giá tới 1.162 tỉ đồng nhằm phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tự động phát hiện xua đuổi chim gây nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến máy bay.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra dự án này còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có việc thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.
Theo Tuấn Phùng (Tuổi Trẻ)