Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 314.100 tỷ đồng, giai đoạn phân kỳ dự kiến đầu tư khoảng 245.000 tỷ đồng trong đó vốn Nhà nước khoảng 96.600 tỷ; vốn nhà đầu tư khoảng 148.400 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 69.100 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư lớn, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án thực hiện.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Hà Nội đến TPHCM sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố. Đây được xem là hành lang kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước. |
Phương án 1 - Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng, đầu tư với chiều dài khoảng 467 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Tuý Loan (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT; đoan Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 2 - Nhà nước hỗ trợ khoảng 63.000 tỷ đồng; đầu tư với chiều dài khoảng 916 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Tuý Loan (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT; đoạn Nha Trang - Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 3 - Nhà nước hỗ trợ khoảng 70.000 tỷ đồng; đầu tư chiều dài khoảng 1.015 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Tuy Hoà (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Để phù hợp nhu cầu vận tải đến 2020 và cân đối vốn bố trí cho các dự án cấp thiết, quan trọng của Bộ GTVT để duy trì năng lực tối thiếu của hệ thống két cấu hạ tầng hiện có, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo phương án 1. Trên cơ sở đó, dự án phân kỳ các giai đoạn đầu tư như sau:
Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2017 đến năm 2022): Xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) theo hình thức hợp đồng BT với quy mô 4 làn xe; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe cao tốc. Mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Tuý Loan (Đà Nẵng) từ quy mô 2 làn xe thành quy mô 4 làn xe.
Tổng chiều dài đầu tư giai đoạn 1 là 467 km; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 102.837 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028, đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam, bao gồm đoạn Vinh (Nghệ An) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết (Bình Thuận) với quy mô 4 làn xe. Tổng chiều dài giai đoạn 2 là 905 km; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 142.157 tỷ đồng.
Giai đoạn 3, dự kiến sau năm 2028, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng.
Theo tính toán, dự án chiếm dụng diện tích khoảng hơn 6.500 ha đất, dự kiến làm ảnh hưởng tới khoảng 15.500 hộ dân, trong đó dự kiến phải tái định cư khoảng 3.900 hộ. Kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng hơn 27.400 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật - cho hay: Bộ GTVT đặt mục tiêu rất lớn ở dự án quan trọng này. Phương án giải phóng mặt bằng được Bộ GTVT đặt ra, đó là thực hiện giải phóng mặt bằng ngay toàn bộ từ Hà Nội đến TPHCM, điều này thuận lợi cho công tác quản lý giải phóng mặt bằng sau này, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư rất lớn.
"Khi thực hiện dự án có 3 vấn đề nổi cộm, đó là vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư lo ngại hơn cả là vấn đề giải phóng mặt bằng để thi công dự án, vì thế Bộ GTVT chọn giải phóng mặt bằng toàn dự án ngay từ đầu là một trong những chính sách thu hút đầu tư. Với mặt bằng sạch từ Hà Nội - TPHCM, nhà đầu tư thấy hấp dẫn ở đoạn tuyến nào thì họ sẽ nhanh chóng rót tiền đầu tư nhanh chóng ở đoạn tuyến đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Bộ GTVT nhấn mạnh, hành lang kinh tế Bắc - Nam từ Hà Nội đến TPHCM có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế nước ta, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển và 67% các khu kinh tế của cả nước.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)