Khi bề mặt Trái đất nóng lên, không khí đủ ấm, nó sẽ bay lên cao. Đây là cách khinh khí cầu bay, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ làm nóng không khí bên trong quả bóng bay để nâng nó lên. Khi một khoảng không khí ấm tăng lên thì không khí gần đó mát hơn sẽ tràn vào để lấp đầy không gian trống bị bỏ lại. Luồng không khí ào ạt chính là cái mà chúng ta gọi là gió.
Khi thổi, gió xoay và xoáy theo các hướng khác nhau do một lực vô hình gọi là lực Coriolis. Nếu các điều kiện phù hợp, lực Coriolis cuốn gió thành một vòng xoáy khổng lồ, hay những cơn bão.
Ở vùng nhiệt đới, nước biển ấm là nguồn cung cấp năng lượng tăng cường sức gió của một cơn bão đang phát triển. Nếu tốc độ gió đạt tới khoảng 120km/h sẽ là một cơn bão lớn có thể gây ra sự tàn phá rất lớn.
Gió mạnh cũng có thể được gây ra bởi không khí chìm. Điều này thường xuyên xảy ra khi có giông bão. Khi không khí bên dưới một đám mây dông trở nên rất lạnh, nó sẽ chìm xuống mặt đất lao đi với tốc độ nhanh. Đây là lý do tại sao một ngày hè ấm áp có thể đột ngột dịu đi nếu một cơn bão ở gần đó.
Gió bị xoắn và quay bởi nhiều chướng ngại vật mà nó gặp phải trên đường đi. Trong rừng, cây cối chắn gió và bảo vệ tầng rừng khỏi gió giật. Ở các thành phố lớn, những tòa nhà chọc trời cao chót vót có khả năng hút luồng gió vào những khoảng hẹp giữa chúng.
Các chướng ngại vật lớn hơn nhiều, như đại dương hoặc các dãy núi biến gió thành các mô hình lớn có thể dự đoán được, định hình thời tiết và khí hậu trên khắp hành tinh.
Những mô hình này đã định hình quá trình lịch sử trên Trái đất. Những cơn gió mang đến những cơn mưa cho phép các xã hội cổ đại phát triển sản xuất lương thực và thịnh vượng. Hay những cơn gió nhiệt đới được gọi là gió mậu dịch đã đưa những nhà thám hiểm ban đầu băng qua các đại dương rộng lớn đến những thế giới mới.
Dung (Nguoiduatin.vn)