Vì sao ong xây tổ theo hình lục giác?

08/12/2019 13:30:10

 Nếu quan sát kĩ các tổ ong, bạn sẽ thấy đó là một 'kiến trúc' thần kỳ và đáng kinh ngạc.

Tổ ong được hợp thành từ nhiều lỗ nhỏ của mỗi con ong. Nhưng chiếc lỗ nhỏ này nhìn chính diện là hình 6 cạnh đều đặn xếp khít nhau, nhìn nghiêng thì đó là các hình lăng trụ lục giác. Đáy của các lăng trụ này lại do ba hình thoi hoàn toàn đồng nhất ghép lại thành một đáy nhọn.

Vậy tại sao các vách ngăn của tổ ong tạo thành hình lục giác mà không phải hình tròn, tam giác, hình vuông hay ngũ giác?

Nhà khoa học Karl von Frisch, người được giải thưởng Nobel về "tiếng nói" của ong mật đã chỉ ra rằng, nếu các lỗ tổ có hình tròn hoặc hình bát giác hay ngũ giác, sẽ có khoảng trống giữa chúng. Điều này không chỉ sử dụng kém về không gian, mà con ong còn phải xây sáp bít kín các khoảng cách giữa các lỗ tổ đó như vậy sẽ lãng phí lớn vật liệu xây dựng.


Vì sao ong xây tổ theo hình lục giác?

Những khó khăn này có thể tránh được bằng cách sử dụng các hình tam giác, hình vuông và hình lục giác. Nếu chiều sâu của các lỗ tổ như nhau, các lỗ tỗ này sẽ chứa cùng một khối lượng. Nhưng trong ba hình có thể tích bằng nhau (tam giác, vuông và lục giác), thì hình lục giác có chu vi nhỏ nhất. Nghĩa là số lượng vật liệu xây dựng cần thiết cho các lỗ tổ chứa cùng một thể tích ít nhất ở hình lục giác.

Như vậy, cấu trúc lỗ tổ hình lục giác vừa có sức chứa tối đa lại có độ bền lớn. Mặc dù các vác ngăn này chỉ dày khoảng 0,5mm nhưng có thể hỗ trợ 25 lần trọng lượng của nó. Một bánh tổ ong bằng sáp mới xây chỉ nặng 150g nhưng có thể chứa đến 3kg mật ong mà không bị vỡ.

Cấu trúc tổ hình lục giác của loài ong quả thực là thần kỳ đến mức con người cùng phải học hỏi chúng. Hiện nay kiến trúc sư, kỹ sư đã áp dụng kết cấu tổ ong này vào xây dựng nhằm tiết kiệm nguyên liệu và tận dụng tối đa không gian. Không chỉ vậy, cấu trúc tổ ong còn được áp dụng vào thiết kế cánh máy bay, vách vệ tinh, tàu con thoi và nhiều thiết bị điện tử.

TH (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật