Thay vì chôn cất người chết trong lòng đất, người Tây Tạng đưa thi thể lên núi làm mồi cho đàn kền kền đói. Cụ thể, có hai hình thức thiên táng: cơ bản và long trọng.
Với những người dân du mục và dân làng ở vùng hẻo lánh, họ thường sử dụng thiên táng cơ bản. Người chết đơn giản được mang lên núi để bọn kền kền tự tìm đến.
Cách thứ hai phức tạp và mang tính nghi thức hơn. Các Lạt Ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể được cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong vải trắng. Cuối cùng, người ta sẽ phá vỡ xương cột sống của cái xác để thuận tiện cho việc mang tới nơi an táng.
Tại địa điểm này, người chết sẽ được đặt nằm sấp xuống mặt đá, người xử lý xác chết hoặc những bậc thầy chôn cất sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với con dao sắc bén. Từ tóc đến nội tạng, cuối cùng là các chi của người quá cố được bóc tách và ném cho đám kền kền đói xúm lại. Rogyapa tiếp tục đập dập bộ xương còn lại, sau đó trộn với bột lúa mạch để đàn chim dễ "tiêu thụ hơn".
Được mệnh danh là một trong những cách mai táng rùng rợn nhất thế giới, tục điểu táng thực chất được người Tây Tạng cho là một quy luật tự nhiên. Con người khi chết đi, chỉ còn là cái xác vô tri, vô giác. Vì vậy, họ nên làm một điều gì đó thật ý nghĩa, ở đây là nguyện làm thức ăn cho động vật. Còn lý do chọn chim kền kền cũng vì Tây Tạng coi loài chim này là “điểu thần”. Nếu để cho chim kền kền ăn, thì người chết sẽ nhanh chóng được lên thiên đàng.
Nếu không nhắc tới vấn đề tôn giáo, thủ tục kì lạ này cũng xuất phát từ một phần nguyên nhân từ đặc tính tự nhiên vô cùng khắc nghiệt của vùng Tây Tạng. Nhìn chung, đất đai ở đây vô cùng hiếm, chỉ toàn là đá cứng và băng lạnh, lớp đất chỉ sâu chừng vài xen-ti-mét. Việc thổ táng cho người đã khuất quả thật vô cùng khó khăn.
Kể cả việc hỏa táng cũng là điều chẳng dễ khi nguồn gỗ đốt khan hiếm tận cùng. Cuộc sống của đa phần người dân lại là kiểu du mục trên lưng ngựa, nay đây, mai đó, sử dụng nước tự nhiên để uống, vì vậy thả trôi sông cũng không phù hợp. Chỉ có loài kền kền bay lượn trên bầu trời là rất nhiều.
Dung (SHTT)