Ở các vùng bờ biển, dòng nước đổ ra từ sông, bản chất, màu và độ nén của cát, lượng phù sa ở đáy biển bị khuấy lên bởi thủy triều, sóng, bão... là những nguyên nhân khiến nước biển không chỉ có... nước biển mà còn lẫn thêm nhiều chất khác nữa. Những thứ này làm thay đổi màu sắc của nước biển tại khu vực gần bờ do chúng làm tăng hiện tượng tán xạ, và có thể thay đổi cả lượng ánh sáng bị tán xạ.
Trong nước biển còn có những loài nhuyễn thể siêu nhỏ, nhỏ hơn cả đầu kim, chúng mang trong mình màu xanh của diệp lục tố (chlorophyll). Tất cả mọi loài cây, cả trên đất liền lẫn dưới biển, đều dùng diệp lục để thu nhận năng lượng từ mặt trời và chuyển hóa nó thành các chất khác (kèm theo oxy). Khi một lượng rất lớn nhuyễn thể kiểu này tập trung lại gần nhau, nước biển khu vực đó có thể chuyển sang màu xanh lá chứ không còn xanh dương nữa - và chlorophyll cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tới màu biển.
Có những trường hợp sự thay đổi màu nước biển lớn tới mức bạn có thể đo đạc được hiện tượng đó từ không gian, và việc này giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự phát triển của nhuyễn thể. Trên thế giới có hẳn những tổ chức chuyên nghiên cứu về việc quan sát, chụp ảnh màu biển từ vệ tinh dùng cho mục đích khoa học, ví dụ như dự báo khi nào thì nhuyễn thể quá nhiều khiến khu vực biển đó bị nhiễm độc chẳng hạn.
Ngoài ra còn có những nơi có rạng san hô ở khu vực nước cạn, chúng cũng là một trong những lý do khiến ánh sáng tán xạ theo cách khác nhau để tạo ra những màu sắc khác nhau cho nước biển.
Độ sâu của biển cũng ảnh hưởng tới màu mà bạn thấy. Thường thì những khu vực gần bờ sẽ có màu nhạt hơn khu vực sâu, và nếu đi dọc khu vực biển miền Trung Việt Nam thì bạn sẽ thấy có những bãi biển mà nước màu xanh ngọc chuyển dần sang xanh dương đậm rất đẹp, ví dụ như khu vực Cam Ranh, Vĩnh Hy, Bình Hưng - Bình Ba...
Dung (Nguoiduatin.vn)