Chứng rối loạn trầm cảm (Depression disorder) cơ bản là tình trạng đặc thù ảnh hưởng đến rất nhiều người, có khả năng khiến nhiều hoạt động từng đem lại niềm vui mất hẳn hứng khởi.
Nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm
Nó cũng có thể gây ra cảm giác vô giá trị, mất cân bằng, như ngủ quá nhiều hay mất ngủ, và gây ra ý định tự tử. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng việc sống ở những khu vực cùng quẫn có thể dẫn đến rối loạn trầm cảm ở đàn ông, nhưng phụ nữ lại không.
Bối cảnh dẫn đến tình trạng này là gì?
Có một số yếu tố nhất định khiến bạn có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm. bị chẩn đoán mắc những căn bệnh kinh niên khó chữa như tiểu đường hay ung thư, dù ở thời hiện tại hay trong quá khứ, cũng có thể gia tăng rủi ro khiến bạn bị trầm cảm. Những tổn thương đau đớn, như bị lạm dụng tình dục hay thể chất, hay việc lớn lên trong một gia đình thiếu vắng sự ổn định, nề nếp, nhiều bất hoà trong hôn nhân.
Tuy nhiên, đó là các yếu tố riêng tư, hay còn gọi là hoàn cảnh cá nhân, có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của bạn. Và hầu hết các nghiên cứu trầm cảm đã tập trung vào những yếu tố riêng tư đó.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy sống trong những cộng đồng túng quẫn khiến cư dân ở những khu vực này đánh giá sức khỏe của mình không đạt được mức khoẻ mạnh nhất và họ có thể chết sớm.
Qua nghiên cứu, việc sống ở những khu vực cùng quẫn liệu có tác động nhiều đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ và đàn ông hay không - ngay cả sau khi đã tính đến hoàn cảnh cá nhân. Nghĩa là, ngay cả sau khi bạn tính đến tình trạng kinh tế, địa vị xã hội của mỗi người, thì môi trường khu dân cư có tác động đến sức khỏe tâm thần của họ hay không.
Có giá trị nhất về vấn nạn này là dữ liệu từ một trong những nghiên cứu kéo dài thời gian nhất về sức khỏe, bệnh kinh niên và cách sống của mọi người: Dữ liệu EPIC-Norforlk. Nghiên cứu này dựa trên 20.000 người đã trả lời bảng hỏi chi tiết về sức khỏe tâm thần và tiền sử bệnh của họ.
Mã bưu chính của người trả lời được liên kết với kết quả điều tra dân số để xác định xem họ có sống ở những cộng đồng khó khăn hay không. 5 năm sau khi xác định mức độ nghèo khó, người tham gia trả lời một bảng hỏi tâm lý xã hội để xác định xem liệu họ có bị rối loạn trầm cảm hay không. Sử dụng kỹ thuật thống kê, mối liên hệ giữa sự nghèo khó và trầm cảm được xem xét trong khi có tính đến vấn đề tiền sử bệnh, trình độ học vấn, vị trí trong xã hội và các yếu tố quan trọng khác.
Nghiên cứu cho thấy sống ở khu vực túng quẫn có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần - ít nhất là ở nam giới. Trong thực tế, đàn ông sống ở khu vực nghèo khổ có khả năng bị trầm cảm cao hơn 51% so với những người sống ở khu vực không túng quẫn. Thú vị là, kết quả không nhận thấy khác biệt đáng kể nào về mặt thống kê ở nữ giới.
Có thể là vì rất nhiều đàn ông ở Vương quốc Anh và những vùng khác trên thế giới vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm chính trong việc chu cấp, lo lắng cho cả gia đình.
Một nghiên cứu gần đây tìm hiểu về nguy cơ trầm cảm ở đàn ông và phụ nữ cho thấy đàn ông bị tác động nhiều hơn khi "thất bại trong những nhiệm vụ chính, như không thành công trong công việc như mong muốn, hoặc không thể chu cấp đầy đủ cho gia đình", đàn ông có vẻ như nhạy cảm với một số yếu tố gây căng thẳng trong môi trường hơn so với phụ nữ, như các vấn đề liên quan đến công việc và tiền bạc.
Mặt khác, mức độ trầm cảm của phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều từ những nhân tố gây trầm cảm bắt nguồn từ quan hệ tình cảm và mối liên hệ xã hội mà họ gắn bó. Chẳng hạn, những yếu tố như sự lạnh nhạt trong tình cảm với cha mẹ, hay sự không hài lòng về cuộc hôn nhân thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ.
Nhiều nhân tố có thể là nguyên nhân ẩn sau vấn đề này, nhưng ở Anh, số lượng đàn ông có nguy cơ chết vì tự tử cao gấp ba lần phụ nữ, và vì vậy nguyên nhân căn bản khiến đàn ông khổ sở nên được tìm hiểu. Dù phụ nữ có nguy cơ thấp hơn trong việc bị rối loạn trầm cảm ở những khu vực nghèo đói, một nghiên cứu khác cho thấy có vẻ như họ dễ bị lo âu hơn.
Một lần nữa, nghiên cứu xa hơn về ảnh hưởng của môi trường khu dân cư đến sức khỏe tâm thần cần được tiến hành từ góc độ giới tính. Có rất nhiều người đang sống ở khu vực nghèo khó trên thế giới và trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở cấp độ toàn cầu.
Bị trầm cảm ở Phần Lan - nơi “hạnh phúc nhất thế giới”
Phơi mình dưới ánh nắng mặt trời bên ngoài hàng hiên của quán cà phê trang trí theo phong cách đồ nội thất Bắc Âu tối giản với những món đồ bằng vải sặc sỡ, Tuukka Saarni là hình ảnh điển hình của một chàng trai trên áp phích quảng cáo về Phần Lan, quốc gia đã đạt ngôi vị đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc trong hai năm liên tiếp.
"Ngay tại thời điểm này, tôi thực sự thấy hạnh phúc tràn trề" - cậu thanh niên 19 tuổi trẻ măng, vừa mới học xong trung học và sắp bắt đầu công việc ở một cửa hàng tạp hóa sau vài tháng tìm việc, nói. Sự thực là cậu đánh giá mức độ hạnh phúc của mình là 10/10, và cậu cũng cho biết bản thân và cả nhóm bạn bè của mình chưa từng trải qua trầm cảm.
Phần Lan là một đất nước giàu có với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Chính những tiêu chí này - bên cạnh mức độ tin cậy cao, bảo mật an toàn và tỷ lệ bất bình đẳng thấp - là lý do khiến cho Phần Lan đoạt vị trí đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc toàn cầu (tuy đôi khi vị trí này cũng gây tranh cãi).
Quốc gia nhỏ bé thuộc Bắc Âu này, với dân số chỉ có 5,5 triệu người, từ lâu nay luôn là nơi con người ta dễ bị rơi vào tâm trạng buồn chán do thời gian mùa Đông tối tăm ảm đạm kéo dài - đó không phải là một nơi mà bạn thường xuyên được bao bọc bởi bầu không khí vui vẻ hay những cảm xúc tích cực khác.
Nhiều chuyên gia lại cho rằng hình ảnh Phần Lan được coi là một quốc gia hạnh phúc lại đang lấn lướt, khiến người ta ít để ý tới những thách thức trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần - đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Một số người tin rằng điều đó thậm chí có thể khiến người Phần Lan ít có ý thức về căn bệnh và khó nhận ra các triệu chứng trầm cảm để từ đó tìm cách điều trị.
Tỷ lệ tự tử ở Phần Lan hiện chỉ bằng một nửa so với thời thập niên 1990 và đã giảm ở tất cả các nhóm tuổi. Sự tiến bộ này có được là nhờ chiến dịch trên toàn quốc nhằm ngăn chặn việc tự tử khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, bên cạnh việc tình hình điều trị trầm cảm đã được cải thiện.
Nhưng tỷ lệ tự tử ở nước này hiện vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu. Một phần ba số ca tử vong ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi là do tự tử.
Theo bản phúc trình Dưới Bóng Hạnh Phúc (In the Shadow of Happiness) ra hồi 2018 do Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu và Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen thực hiện, khoảng 16% phụ nữ Phần Lan từ 18 đến 23 tuổi và 11% nam giới trẻ thừa nhận mình đang phải "vật lộn" hay "chịu đựng" trong cuộc sống. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn tỷ lệ của nhóm từ 80 tuổi trở lên.
Công trình nghiên cứu chuyên sâu mới nhất trên phạm vi toàn quốc về trầm cảm ở Phần Lan được thực hiện từ hồi 2011, nhưng tổ chức phi lợi nhuận Mieli (Sức khoẻ Tâm thần Phần Lan - Mental Health Finland) ước tính rằng khoảng 20% trong số những người dưới 30 tuổi đã từng trải qua các triệu chứng trầm cảm hồi năm 2018.
"Đây là vấn đề phổ biến" - Juho Mertanen, nhà tâm lý học của tổ chức này cho biết - "Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ này có thể tăng lên, mặc dù sự gia tăng không đến mức cực đoan như những gì được một số hãng truyền thông nêu ra".
Một bản phúc trình ra hồi 2017 của Trung tâm Bắc Âu về Phúc lợi và Các Vấn đề Xã hội nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc lạm dụng chất gây nghiện và tình trạng sức khỏe kém, trong đó ghi nhận rằng người Phần Lan uống rượu nhiều hơn các nước láng giềng Bắc Âu. Việc sử dụng ma túy ở nhóm tuổi từ 25 đến 34 cũng gia tăng. Và trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc thấp, thì tỷ lệ những người trẻ tuổi thất nghiệp lại cao lên một cách đáng kể.
Cuối năm 2018, có đến 12,5% trong số những người từ 15 đến 19 tuổi thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất ở Bắc Âu và cao hơn mức trung bình của EU (11,5%). Mertanen đồng ý rằng thị trường việc làm ở Phần Lan đóng vai một trò trong vấn đề sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bởi vì "có rất nhiều những điều không chắc chắn ngày nay".
Mạng xã hội, theo ông, có lẽ cũng tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Phần Lan và ở cả các nơi khác. Ông nhanh chóng chỉ ra rằng nghiên cứu dài hạn trên quy mô lớn nhằm đánh giá tác động của những lượt 'like' trên Instagram và Facebook hiện vẫn còn chưa được thực hiện đủ mức, nhưng "những người trầm cảm thường hay có xu hướng so sánh", và mạng xã hội khiến người ra rất dễ dàng "bắt đầu so sánh những khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ với những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời người khác".
"Tôi có thể nói về công trình nghiên cứu về hạnh phúc và mạng xã hội rằng... Tôi có thể thấy là nó đang nhồi nhét cái kiểu thế giới đen-trắng rõ ràng vào đầu óc của những người trầm cảm" - ông nói.
"Bạn gần như cảm thấy mình không có quyền trầm cảm khi sống ở một đất nước như Phần Lan, nơi có mức sống cao như thế này" - Kirsi-Marja Moberg giải thích. Cô hiện 34 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi còn là thiếu niên và cô đã phải vật lộn với căn bệnh trong suốt những năm ngoài 20 tuổi.
"Ở Phần Lan ... bạn cảm thấy như mọi thứ sẽ ổn cả, mặc dù thực tế không phải vậy" - Jonne Juntura, bác sĩ tập sự 27 tuổi, từng bị trầm cảm sáu tháng trong thời gian học đại học, đồng ý với quan điểm trên.
Anh chỉ ra rằng những vấn đề cá nhân và các khó khăn trong xã hội thường dẫn đến trầm cảm - ví dụ như chia tay người yêu hoặc suy thoái kinh tế - và trầm cảm là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể tiêu chuẩn sống của họ là gì.
"Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy chúng tôi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhưng điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện. Bởi trầm cảm là một căn bệnh và không phải lúc nào nó cũng liên quan đến hoàn cảnh sống" - anh giải thích.
Trong lúc đó, một thỉnh nguyện thư toàn quốc - theo đó muốn rằng tất cả những ai cần được giúp đỡ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cần phải được chữa trị bằng hình thức trị liệu tâm lý ngắn trong vòng một tháng - đã thu thập được hơn 50.000 chữ ký, mức tối thiểu cần có để đề xuất được đưa ra thảo luận trước Quốc hội.
* *
Việc hiểu rõ về tình trạng phụ nữ và đàn ông bị tác động bởi những khó khăn trong khu dân cư nghèo khó tới mức nào có thể giúp tập trung vào điều trị sức khỏe tâm thần, và đây là bước đi quan trọng trong tương lai.
Theo Juntura, việc sức khỏe tâm thần gần đây được đưa vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là một ví dụ cho thấy sự thay đổi trong thái độ đối với bệnh trầm cảm trong những năm gần đây.
Theo Anh Dũng (Nguoitieudung.com.vn)