Triệu Vân (168 – 229), tự Tử Long, là người Thường Sơn. Ông là danh tướng vào giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, cũng là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán.
Ban đầu, Triệu Tử Long đi theo Công Tôn Toản. Sau khi các chư hầu kết đồng minh thì có cơ hội giao hảo với Lưu Bị. Thậm chí không ít lần được Lưu Bị “mượn dùng” đi đánh giặc nên mối quan hệ có thể xem là vô cùng thân thiết. Tới khi Công Tôn Toản qua đời, Triệu Tử Long đi tìm Lưu Bị và chính thức gia nhập tập đoàn chính trị của vị quân chủ này. Suốt thời gian đó, ông đã lập không ít công lao.
Trong trận chiến ở Trường Bản, vị tướng họ Triệu này đã đơn thương độc mã mạo hiểm phá vòng vây để cứu A Đẩu, con trai của Lưu Bị. Sau này Triệu Tử Long còn hộ tống Lưu Bị sang Giang Đông cầu thân, bảo vệ an toàn cho Lưu Bị khỏi vòng vây của Chu Du, đón Khổng Minh sau trận Xích Bích. Điều này có thể dễ dàng chứng minh cho sự tín nhiệm của Lưu Bị đối với Triệu Tử Long. Trận chiến Hán Trung, Triệu Tử Long vì để tiếp ứng Hoàng Trung mà một lần nữa đơn thương độc mã chiến đấu với quân Tào, dùng mưu kế khiến cho kẻ địch đại loạn, tổn thất nặng nề.
Tất cả những công lao trên của Triệu Tử Long có thể thấy là góp phần không hề nhỏ cho Lưu Bị. Tuy nhiên, sau khi xưng đế tại đất Thục, Lưu Bị liền phong cho 4 vị tướng quân chức vị tối cao, trước thì có Quan Vũ, tả hữu thì có Trương Phi, Mã Siêu, hậu quân thì có Hoàng Trung. Đến lượt Triệu Tử Long lại chỉ được phong chức vụ Dực Quân tướng quân, còn quá xa mới tới hàng đại tướng. Điều này quả thực làm cho nhiều người cảm thấy vô cùng khó hiểu.
Rốt cuộc Lưu Bị vì sao lại làm vậy? Lẽ nào Lưu Bị là vị quân vương vô minh?
Thực chất, việc Lưu Bị chưa giao cho Triệu Tử Long những chức vụ lớn cũng đều có nguyên nhân.
Một trong số đó bắt nguồn từ việc Triệu Tử Long là một vị tướng trẻ tuổi, lại có phần nhanh mồm nhanh miệng. Năm xưa sau trận Xích Bích, thế chân vạc thời Tam Quốc về cơ bản đã được định hình. Lưu Bị vì muốn lôi kéo lòng người nên bắt đầu luận công ban thưởng, phong chức tướng, quần thần cũng vui vẻ đón nhận. Bấy giờ, duy chỉ có Triệu Tử Long cho rằng thiên hạ còn chưa hoàn toàn bình định, chuyện ban thưởng không thích hợp thảo luận quá sớm. Lời này quả thực có phần đắc tội với những người vừa mới xả thân trong trận đại chiến trước đó, hơn nữa cũng khiến Lưu Bị không khỏi có chút khó xử. Sự việc lần đó rất có thể đã khiến Lưu Bị nghĩ rằng, Triệu Tử Long tuy có tài nhưng vẫn còn trẻ người non dạ, nên rèn luyện thêm mới có thể đảm đương những chức vụ lớn.
Mục đích thứ 2 của Lưu Bị khi chưa vội cất nhắc Triệu Tử Long là để an bài cho con trai Lưu Thiền sau này đăng cơ của mình. Những đại tướng phò tá Lưu Bị, như Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung có một điểm chung là tuổi tác đã cao, sống chết khó lường, rất có khả năng sẽ phải ra đi trước. Lưu Bị không thể không đề phòng dự bị tìm người thay thế, hy vọng có người thân tín, tài đức vẹn toàn đứng ra phò tá Lưu Thiền. Về quan văn sau Gia Cát Lượng thì có Lý Nghiêm, Tưởng Uyển, vậy còn võ tướng thì chỉ còn Triệu Tử Long là người thích hợp nhất.
Lưu Bị tạm thời chưa cất nhắc Triệu Tử Long chính là để cho Lưu Thiền lên ngôi làm điều đó. Tân vương đăng cơ thi ân sẽ dễ lấy được thiện cảm của quần thần. Nếu như việc tốt nào Lưu Bị cũng làm hết thì sau này các trọng thần lại ỷ thế, lấy tư cách lão thần ra để uy hiếp tân vương, gây khó dễ cho Lưu Thiền.
Quả nhiên sau khi Lưu Thiền đăng cơ, liên tiếp phong cho Triệu Vân tăng lên hai cấp, Triệu Tử Long cũng nghiễm nhiên trở thành võ tướng trung dũng phò tá hậu chủ.
Dung (SHTT)