Chim cánh cụt sống ở Nam cực, nơi có thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và chẳng có cây cối sống nổi để cho chúng bay đậu kiếm mồi, vì thế mà chim cánh cụt phải lặn xuống nước kiếm thức ăn. Giới nghiên cứu cho rằng loài chim này đã tiến hóa để biết bơi và lặn nhờ dùng đôi cánh tạo lực đẩy. Chim cánh cụt có thể lặn tới độ sâu 300m (ở chim cánh cụt hoàng đế là 565m) để bắt cá, mực, động vật giáp xác...
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chim cánh cụt không thể bay là bởi chúng là những sinh vật có khả năng bơi lội giỏi và không có loài chim nào có thể nổi trội ở cả hai mặt bơi và bay được.
Việc chim cánh cụt không biết bay từng là một bí ẩn vì nó dẫn tới một hành vi dường như thể hiện sự kém thích nghi. Việc chúng không biết bay có thể do phải hy sinh chức năng của đôi cánh trong không trung để đổi lấy việc tối đa hóa khả năng hoạt động của cánh trong khi lặn, phù hợp với môi trường sống và những cuộc đi săn dưới nước.
Một nhà nghiên cứu đã giải thêm rằng, trong quá trình tiến hóa, đôi cánh của chim cánh cụt đã biến đổi để trở nên thích nghi hơn với việc bơi và lặn trong đại dương, nơi chúng tìm kiếm thức ăn, nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng. Cùng lúc đó, năng lượng cần có cho việc bay của chim cánh cụt ngày càng trở nên lớn hơn. Và đến một thời điểm nào đó, loài chim này không thể chịu đựng được việc tiêu hao quá nhiều năng lượng cho việc bay nên từ bỏ khả năng di chuyển trên không trung và dần dần không thể bay được nữa.
TH (SHTT)