Việc đi chân trần trên than hồng là tập tục của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Ấn Độ vào năm 1.200 TCN, đi trên than hồng là một nghi lễ thử thách sức mạnh và sự dũng cảm của con người. Ngay tại Việt Nam, bước trên than cũng là tập tục lâu đời của một số dân tộc như Phà Thẻn (Hà Giang) sau mỗi mùa gặt bội thu.
Những lớp than này thông thường khi nóng đỏ sẽ đạt nhiệt độ khoảng 500 độ C. Vậy vì sao nhiều người có thể bước đi trên than hồng mà không hề hấn gì?
Lý giải về hiện tượng đi trên than mà không bỏng chân, các chuyên gia vật lý cho rằng, nhiệt độ chỉ là một trong nhiều yếu tố liên quan đến sự truyền nhiệt, bên cạnh một chỉ số quan trọng - chỉ số phóng lưu nhiệt và thời gian tiếp xúc.
Trong các tập tục bước trên than, người ta thường sử dụng than củi, loại than có độ dẫn nhiệt, mật độ và nhiệt dung riêng đều thấp.
Bề mặt than hồng còn được phủ thêm một lớp tro màu xám, tro này cũng là một chất dẫn nhiệt kém nên giúp làm chậm quá trình truyền nhiệt từ than đến chân của con người.
Yếu tố quan trọng nhất nằm ở thời gian tiếp xúc của bàn chân lên lớp than hồng. Tuy cần phải di chuyển nhanh qua lớp than nhưng bạn không nên chạy bởi khi chạy than sẽ vỡ khiến chân tiếp xúc trực tiếp với lớp than nóng nhất dễ gây bỏng.
Bí quyết nằm ở việc đi bộ thật nhanh và phải đảm bảo mỗi bước chân của bạn chỉ mất chưa đến nửa giây. Trong quá trình chạy trên đoạn đường trải đầy than hồng có độ dài từ 3 – 4,5 mét, bàn chân sẽ chỉ được phép tiếp xúc với than hồng trong khoảng vài giây.
Bên cạnh đó, do bàn chân là tổ chức nhiều mạch máu nên trong khoảng thời gian nhấc chân khỏi than giữa các bước đi, dòng máu lưu thông sẽ phát tán lượng nhiệt mà bàn chân đã hấp thụ.
Tuy nhiên, nếu không tập luyện kỹ càng, hoặc không đủ tự tin để bước nhanh, nhiệt lượng sẽ đủ lớn để khiến bàn chân bị bỏng nặng.
TH (Nguoiduatin.vn)