Dựa trên đặc điểm thân nhiệt, các loài động vật được chia ra thành 2 nhóm: Động vật máu lạnh hay động vật biến nhiệt (như cá, thằn lằn, các loài lưỡng cư như ếch và đa số động vật không xương sống) có thân nhiệt thay đổi đáng kể theo môi trường bên ngoài. Và nhóm thứ hai là động vật máu nóng, hay động vật hằng nhiệt, nội nhiệt (như chim và động vật có vú) có khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể ở một ngưỡng không đổi, bất chấp nhiệt độ môi trường ngoài.
Như đã biết, con người chúng ta thuộc vào nhóm thứ 2. Để có thể duy trì được thân nhiệt lúc nào cũng ở ngưỡng 37 độ C, cơ thể chúng ta liên tục phải tự đốt nóng mình thông qua quá trình trao đổi chất. Bạn có thể hình dung mỗi tế bào trong cơ thể mình giống như một lò phản ứng hóa học nhỏ. Và chúng chạy liên tục 24/7, liên tục tạo ra nhiệt, bất kể bạn đang làm gì, ngồi một chỗ nghỉ ngơi, đi dạo, tập thể dục cường độ mạnh.
Ngay cả khi bạn ngủ, các tế bào não của bạn vẫn hoạt động và cơ thể bạn vẫn trao đổi chất, vẫn tiêu hóa thức ăn, hô hấp và tuần hoàn máu. Tất cả các quá trình đang diễn ra ấy vẫn sinh nhiệt. Khoảng nhiệt tối đa mà cơ thể bạn có thể hạ xuống nhờ giảm thiểu các quá trình trao đổi chất là 1 độ C. Nghĩa là khi ngủ, thân nhiệt thấp nhất của cơ thể bạn vẫn là 36 độ.
Khi chúng ta nói nhiệt độ cơ thể mình là 37 độ C trong mùa hè, thực ra là chúng ta đang liên tục phải chạy máy làm mát để duy trì ngưỡng thân nhiệt đó. Quá trình trao đổi chất trong cơ thể chúng ta luôn sinh nhiệt tương đương một cỗ máy 400 watt. Và nếu không làm mát kịp thời, thân nhiệt của bạn sớm muộn cũng tăng lên vài độ đến ngưỡng gây tử vong.
Để làm mát, cơ thể sử dụng 4 cỗ máy chính:
1. Dẫn truyền nhiệt: Là khi bạn truyền thực tiếp nhiệt lượng dư thừa của mình sang một vật lạnh hơn qua tiếp xúc (ví dụ như cầm trên tay một ly trà đá). Lượng nhiệt trao đổi qua dẫn truyền nhiệt chỉ chiếm khoảng 2% lượng thân nhiệt mà bạn muốn hạ xuống, do đó, nó không đáng kể.
2. Đối lưu: Cơ chế làm mát bằng đối lưu chiếm một tỷ trọng cao hơn, khoảng 10%. Đó là khi bạn truyền nhiệt trực tiếp vào không khí hoặc nước, dòng không khí và nước này sau đó được thổi hoặc đẩy ra xa bạn, thay thế vào đó là một dòng khí hoặc nước mát hơn. Bật quạt khi trời nóng và tắm nước lạnh dưới vòi hoa sen, đó là bạn đang hạ nhiệt bằng cơ chế đối lưu.
3. Bốc hơi: Khoảng 35% nhiệt lượng thất thoát ra khỏi cơ thể bạn từ cơ chế bốc hơi. Đó là khi cơ thể bạn đổ mồ hôi, truyền nhiệt ra mồ hôi để khi mồ hôi bay hơi, chúng cũng mang lượng thân nhiệt dư thừa của bạn ra khỏi cơ thể.
4. Bức xạ: Đây là cơ chế thoát nhiệt hiệu quả nhất, khi bức xạ sẽ truyền nhiệt từ vật nóng ra môi trường lạnh hơn. Lượng nhiệt này có thể chiếm khoảng 65% tổn thất nhiệt trên toàn cơ thể bạn.
Thật không may, vào mùa hè, khi nhiệt độ môi trường tăng lên tới 37 độ C, nó sẽ triệt tiêu cỗ máy làm mát mạnh nhất là từ bức xạ. Khi nhiệt độ ngoài trời bằng thân nhiệt của bạn, cơ thể sẽ không thể truyền nhiệt ra bên ngoài được nữa.
Cỗ máy làm mát số 4 bị tắt hoàn toàn khiến cỗ máy số 3 phải làm việc tăng công suất. Bạn sẽ phải đổ mồ hôi nhiều hơn để có thể làm mát cơ thể xuống ngưỡng 37 độ.
Hoặc bạn sẽ phải vào phòng điều hòa để khởi động lại cỗ máy làm mát số 4, hoặc bật quạt, đi tắm để khởi động thêm cỗ máy số 2. Còn cỗ máy làm mát số 1 về cơ bản không giúp gì được nhiều.
Vậy là một cỗ máy làm mát bị vô hiệu hóa, khiến một cỗ máy làm mát phải hoạt động tăng công suất chính là lý do đơn giản khiến bạn cảm thấy khó chịu, ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời đang bằng ngưỡng thân nhiệt của bạn.
Dung (Nguoiduatin.vn)