Năng lượng được tạo ra nhờ quá trình phân hạch, khi một nguyên tử vỡ ra. Vấn đề là có một số chất thải – được gọi là chất thải "mức cao" – giàu tính phóng xạ. Nó giải phóng một số hạt có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người, đông vật, cũng như động vật và tồn tại suốt hàng ngàn năm.
Phần lớn chất thải mức cao được tái chế, làm giảm tính phóng xạ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phải làm gì với phần còn lại chưa được tái chế, thì chưa có lời giải đáp triệt để. Tiêu huỷ chất thải hạt nhân là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện đại, một thế giới luôn khao khát những nguồn năng lượng vô tận từ các quy trình hạt nhân. Chính vì vậy, nhiều bộ óc trên toàn cầu đã ngày đêm suy nghĩ những ý tưởng và giả thuyết nhằm loại bỏ chất thải hạt nhân một cách hiệu quả nhất.
Mặc dù rất muốn trực tiếp đưa chúng đến Mặt Trời tiêu hủy nhưng thực tế thì phương pháp này không được khả thi cho lắm. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là chi phí. Việc này thật sự rất, rất đắt. Chúng ta đã tiêu tốn tới 1,5 tỷ USD để gửi tàu thăm dò Parker, con tàu có kích thước ngang một chiếc ô tô nhỏ, chỉ để nó đi một quãng đường xa đủ để làm nhiệm vụ đo đạc Mặt trời. Để bắn trúng một vật thể có kích thước lớn như Mặt trời (lớn gấp 1,3 triệu lần Trái Đất) nghe thì có vẻ dễ nhưng thật sự là rất khó. Tàu thăm dò mặt trời Parker (Một tàu robot vũ trụ của NASA) trên đường đi đã phải bay qua Sao Kim tới bảy lần để có thể giảm vận tốc, để có thể tiếp cận được Mặt trời.
Thêm một lý do nữa là tên lửa đôi khi gặp trục trăc vẫn bị nổ tung ngay trên bệ phóng hoặc trong bầu khí quyển. Hậu quả là việc này sẽ giải phóng những chất thải (đáng nhẽ ra phải đưa lên vũ trụ) vào môi trường và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Tiếp đến là vấn đề rác thải vũ trụ. Hiện có một số lượng cực lớn các vệ tinh đã hỏng, cũ kỹ, cùng với vô số các phần linh kiện và rác thải từ chúng, bay quanh quỹ đạo Trái đất, gián tiếp tạo ra những thách thức đáng kể đối với mọi sứ mệnh không gian. Không cần phải bàn cãi, sẽ thật kinh khủng nếu một tên lửa chở rác thải hạt nhân phát nổ và khiến chất thải phóng xạ bay tán loạn trong vành đai rác thải vũ trụ ngày càng mở rộng hơn quanh Trái đất.
Ngoài ra, việc "vứt" chất thải hạt nhân thật xa vào không gian vũ trụ cũng là một việc làm đầy rủi ro, khi mà tàu vũ trụ chứa chất thải hoàn toàn có khả năng đi chệch hướng và đâm vào một hành tinh, mặt trăng hay tiểu hành tinh nào đó, một nơi tồn tại sự sống mà chúng ta chưa phát hiện ra, như sao Hỏa hay Europa (mộ trong những vệ tinh của Sao Mộc).
Ngay cả khi chất thải đã được niêm phong trong thùng chứa, sẽ vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm cho các hành tinh khác. Chất phóng xạ độc hại là nguy cơ cho loài người, cũng như các dạng sự sống khác. Kể cả dạng sự sống khác ở đây chỉ là vi khuẩn, trách nhiệm đạo đức vẫn không cho phép chúng ta làm điều đó.
Tất nhiên, có tồn tại tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng RTG (một loại máy phát điện, viết tắt của Radioisotope Thermoelectric Generator). Trong bộ phim The Martian, phi hành gia Mark Watney (do Matt Damon thủ vai) đã đào một chiếc RTG để giữ ấm trong nhiệt độ lạnh như băng.
Dung (Nguoiduatin.vn)