Nếu muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao người ta lại quy định như thế thì điều này bắt nguồn từ cách đây hơn 100 năm, lúc mà xe đạp đã trở nên phổ biến trong đời sống. Thời đó vật liệu làm xe đạp không tốt như hiện nay, sức bền kém, khung xe đạp có khi còn được làm bằng gỗ nên thanh ngang rất quan trọng, giúp khung chịu lực khỏe hơn. Nhưng khi phụ nữ sử dụng lại khá bất tiện, phụ nữ thời đó đa số mặc váy, phải giơ chân lên cao mới có thể trèo lên xe được. Vì vậy, các nhà sản xuất đã làm ra chiếc khung xe đạp có thanh chịu lực chéo, giúp thuận tiện hơn cho phụ nữ, nhưng điều này cũng làm giảm khả năng chịu lực của xe.
Chỉ cách đây vài chục năm, khi Việt Nam chúng ta kinh tế khó khăn, còn có những chiếc khung xe đạp được làm từ thùng phuy, rất nguy hiểm. Thanh chịu lực chéo vừa thuận tiện hơn, lại giúp giảm chấn thương vùng háng nếu chẳng may bị ngã, tốt cho cả nam giới.
Dần dần vật liệu làm khung xe đạp ngày càng tốt hơn như: thép, hợp kim nhôm. Thậm chí những chiếc xe đắt tiền bây giờ, khung còn được làm từ sợi thủy tinh, sợi các bon hay titan, rất cứng mà lại nhẹ… nên thanh chịu lực ngang hay chéo đều được, không ảnh hưởng đến độ vững chãi của xe. Vì thế mà mẫu xe đạp có thanh chịu lực chéo ngày càng phổ biến hơn.
Những mẫu xe đạp hiện nay ít loại có thanh chịu lực nằm ngang hoàn toàn, song song với mặt đất, kể cả các loại xe địa hình, xe thể thao. Khung thường được làm hơi chéo để thuận tiện và an toàn hơn trong khi sử dụng, mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống.
Dung (Nguoiduatin.vn)