Theo Tracy Thomson - một nhà nghiên cứu chuyên ngành Khoa học Trái Đất, Đại học California, Hoa Kỳ mới đây đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về loài động vật trong tưởng tượng này.
Trong tự nhiên, một số loài như Meerkat, chim gõ kiến đều đứng bằng 2 chân và dùng đuôi chống để có thể đứng thẳng vững vàng mà không dùng quá nhiều lực. Trên thực tế, một chiếc chi thứ ba không chỉ hỗ trợ được cho tư thế đứng, mà còn có thể có ích trong khi động vật di chuyển.
Vậy rõ ràng, có thêm một chiếc chân thứ ba đôi khi là một lợi thế đối với sinh vật. Nhưng tại sao không có một loài động vật nào thực sự có ba chân?
Đáp án của câu hỏi có lẽ đã tồn tại từ hàng triệu năm về trước.
"Hầu hết các loài động vật đều phát triển với cơ thể đối xứng hai bên", anh nói. Những "mã code" đối xứng có lẽ đã được nhúng vào bộ gen của mọi loài từ giai đoạn tiến hóa rất sớm của sự sống – có lẽ trước cả khi các sinh vật có chân ra đời. Và một khi đặc điểm tiến hóa này được đưa vào các DNA, rất khó để khử nó ra khỏi bộ gen của sinh vật.
Các đột biến đôi khi có thể khiến sinh vật có chi thừa thứ ba, chẳng hạn như trường hợp của Frank Lentini, một người đàn ông người Ý sống ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhưng rõ ràng, tiến hóa không ủng hộ hướng đột biến này và chọn lọc tự nhiên sẽ dập tắt sự di truyền của các DNA đó, bảo toàn những "mã code" đối xứng hai bên.
Vì tiến hóa đã thiên vị những sinh vật đối xứng, những động vật ba chân sẽ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hoặc những bộ phim, sinh vật ngoài hành tinh đôi khi được xây dựng với hình thù kỳ dị và đi bằng ba chân.
Thomson cho biết trí tưởng tượng trong điều kiện này đóng vai trò quan trọng. "Nếu chúng ta muốn tìm hiểu về quá trình tiến hóa của sự sống, chúng ta cần hiểu những gì tiến hóa có thể làm và cả những gì nó không thể", anh nói.
Và việc tưởng tượng ra những sinh vật ba chân rồi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng không tồn tại không phải chỉ là một công việc tiêu khiển. Nó xứng đáng là một nghiên cứu khoa học thực sự.
Dung (SHTT)