Tại sao hành, tỏi gây hôi miệng?

17/08/2021 08:00:00

Không chỉ có hành, tỏi mà có nhiều loại rau khác (củ kiệu, tỏi tây...) cũng gây hôi miệng sau ăn.

Hành, tỏi đều thuộc về họ nhà cây có tên là Allium, họ này còn có nhiều loài khác như kiệu, tỏi tây, hành lá, hẹ... Có nhiều nguyên nhân gây ra mùi hôi này, nhưng chủ yếu xuất phát từ chất sulfuric có trong hành, tỏi. Không những vậy, tỏi còn thúc đẩy sự tăng trưởng các vi khuẩn gây mùi hôi trong miệng và càng khiến vấn đề trầm trọng hơn.

Tại sao hành, tỏi gây hôi miệng?

Ngay cả khi đánh răng, rửa sạch bằng nước súc miệng và áp dụng một số phương pháp khử mùi khác thì miệng vẫn còn hôi do ăn hành, tỏi. Nguyên nhân là do một số hợp chất sulfuric đã được chuyển hóa và ngấm vào máu.

Thủ phạm chính của quá trình này được xác định là chất Allyl Methyl Sulfide, chất này ngấm trực tiếp vào máu trong quá trình tiêu hóa. Sau khi ngấm vào máu, một thời gian sau nó sẽ được thải ra ngoài thông qua các tuyến mồ hôi và hơi thở qua phổi. Vì vậy, khi chúng ta thở ra thì người khác vẫn sẽ cảm nhận hơi thở của nặng mùi vì nó chứa chất Allyl Methyl Sulfide. Đây là nguyên nhân vì sao đã làm sạch miệng nhưng hơi thở vẫn còn mùi nồng của tỏi.

Khủng khiếp hơn là lúc tiết mồ hôi, cả người cũng rất nặng mùi sau khi ăn tỏi. Hiệu ứng này chỉ chấm dứt khi nào cơ thể bạn đã thải ra toàn bộ hợp chất Sulfuric bốc mùi. Quá trình này có thể tốn nhiều giờ, thậm chí là cả ngày.

Hợp chất Sulfuric đã ngấm vào trong máu nên không có phương pháp hữu hiệu nào giúp loại bỏ ngay mùi hôi khó chịu sau khi ăn tỏi, ngoại trừ cách che giấu nó bằng một mùi khác mạnh hơn. Nhiều người thường chế biến món ăn có tỏi với rau mùi tây vì điều này sẽ làm giảm đáng kể mùi hôi của tỏi. Ngoài ra cũng có thể uống trà bạc hà nóng hoặc sữa sau khi ăn tỏi, chúng sẽ giúp cho giảm đáng kể mùi hôi từ miệng.

Dung (Nguoiduatin.vn)