Nhiều người thường mắc lỗi khi chườm hạ sốt bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, đặt khăn sai vị trí... khiến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.
Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện nhi đã từng có bài viết chia sẻ khá dài trên trang cá nhân nói về những lỗi thường gặp và cách chườm khăn hạ sốt đúng nhất.
Theo bác sĩ này, cơ thể con người có 4 cơ chế thải nhiệt chính. Trong đó có cơ chế gọi là Truyền nhiệt trực tiếp. Việc chườm là dựa nhiều vào kiểu thải nhiệt này. Chườm là dùng khăn có nước, đắp lên vị trí có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn. Vị trí mạch máu lớn là 2 cái nách, 2 bên cổ, 2 cái bẹn. Đây là những vị trí chườm đúng nhất chứ không phải vùng trán như nhiều người vẫn thường làm.
Vậy chườm nước nóng, nước ấm, hay nước lạnh? Theo bác sĩ trên, chườm dựa vào nhiệt độ cơ thể cao hơn sẽ truyền nhiệt sang khăn chườm có nhiệt độ thấp hơn rồi dần dần cái khăn đó nóng lên, chúng ta lại thay bằng khăn khác. Đây là cơ chế thải nhiệt trực tiếp. Nhiệt độ nước chườm đúng nhất là thấp hơn cơ thể 1-2 độ C. Chườm nước nóng càng khiến cơ thể sốt cao hơn, chườm quá lạnh sẽ khiến mạch bị co lại, tác dụng thải nhiệt kém.
Lau người cũng cần dùng nước mát để nhiệt độ cơ thể có chỗ thải sang rồi bay đi. Việc chườm chỉ nên thực hiện khi nhiệt độ cơ thể >39 độ C, vì trên 38.5 độC mới cần phải hạ sốt.
TH (Nguoiduatin.vn)