Nhiệt độ cao là kẻ thù tồi tệ nhất với tất cả thiết bị, bao gồm điện thoại và laptop. Pin nhanh chóng nóng lên sau một thời gian sử dụng, việc quá nhiệt sẽ phá hủy các linh kiện bên trong, khiến cho máy móc bị “đóng băng” hoặc tệ hơn là hỏng hoàn toàn.
Laptop và điện thoại của bạn có đang bị quá nóng? Tình trạng này có diễn ra thường xuyên? Hãy làm theo các mẹo dưới đây để bảo vệ chúng trước thời tiết lên tới 40 độ C như hiện nay.
1. Theo dõi nhiệt độ chuẩn trên laptop hay smartphone
Smartphone hay laptop nóng lên sau khi sử dụng một thời gian là điều khá bình thường nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Nhiệt độ chuẩn với laptop là dưới 50 độ C. Nếu bạn cảm thấy laptop quá nóng và bắt đầu có dấu hiệu về hiệu suất, hãy dùng một công cụ theo dõi nhiệt độ miễn phí để xem nó có đang gặp nguy hiểm hay không.
Một số smartphone như HTC Evo 4G tích hợp sẵn cảm biến nhiệt độ để cảnh báo khi máy hoặc pin quá nóng. Nhiều máy tự động tắt nếu nhiệt độ quá cao. Apple gợi ý nhiệt độ lý tưởng để iPhone hoạt động hoàn hảo là từ 16 độ C đến 22 độ C, nhiệt độ trên 35 độ C có thể phá hủy pin vĩnh viễn. MacBook hoạt động tốt nhất nếu nhiệt độ duy trì ở mức 10 độ C đến 35 độ C.
2. Giữ laptop và smartphone tránh xa khỏi ánh nắng trực tiếp và xe hơi
Hãy cẩn thận khi bạn để lại thiết bị điện tử. Bất kỳ ai ngồi chờ bạn trong xe ngoài trời trong thời tiết nóng bức như hiện nay đều biết rằng nó thực sự rất nóng và làn da của chúng ta không phải thứ duy nhất ghét điều đó.
Nếu dùng điện thoại, máy tính ngoài trời, dưới ánh nắng trực tiếp hay để chúng lại trong xe hơi, chỉ cần chạm vào chúng bạn cũng thấy bỏng tay. Mọi chuyện còn tệ hơn nếu bạn dùng nó để chơi nhạc, gọi điện hay sạc. Hãy bảo đảm đã tắt laptop, điện thoại trong những khu vực nóng bỏng và chỉ dùng chúng trong bóng râm. Một lựa chọn khác là che nó bằng áo hay ngồi dưới bóng cây. Nếu đang ngồi trong xe hơi, hãy cố chỉnh điều hòa đúng hướng.
3. Đợi laptop và smartphone nguội
Khi chuyển từ một khu vực nóng sang nơi mát mẻ hơn, bạn nên đợi cho đến khi laptop hay smartphone nguội đi đôi chút (trở về nhiệt độ phòng) trước khi bật máy. Điều này cũng áp dụng khi bạn lôi laptop ra khỏi túi đựng.
4. Tắt các ứng dụng tốn pin nhất
Hãy tắt các ứng dụng, tính năng tốn pin nhất. Các tính năng như GPS, 3G/4G, hay màn hình ở mức sáng nhất không chỉ khiến cho thiết bị nhanh hết pin hơn mà còn làm pin nóng hơn. Bạn có thể dùng thiết bị ở chế độ tiết kiệm năng lượng để tự động giảm nhiệt cho pin.
Các smartphone có thêm chế độ máy bay, ngay lập tức chặn mọi kết nối như Wi-Fi, GPS, sóng di động. Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được pin và giữ cho nhiệt độ ổn định.
5. Dùng đế tản nhiệt
Đế tản nhiệt là khoản đầu tư không tồi. Nó không chỉ giúp tản nhiệt từ laptop mà còn đặt laptop ở vị trí hợp lý.
6. Tắt laptop, smartphone khi không sử dụng
Khi thời tiết thực sự nóng như những ngày này, có lẽ điều tốt nhất có thể làm là tắt máy, tiết kiệm điện cho những khi nào thực sự cần. Vài thiết bị tự động tắt nguồn khi quá nóng, vì thế nó cũng đồng nghĩa rằng tắt mọi thứ là một trong những cách tốt nhất để làm mát điện thoại hay laptop.
15 phút sau khi chuyển đến nơi mát mẻ hơn, bạn có thể bật nó trở lại và sử dụng bình thường.
Theo Du Lam (Ictnews.vn)