Lượt xem (view) là tiêu chí sống còn của các video YouTube. Thay vì đầu tư vào nội dung, đôi khi các chủ kênh tìm đến những chiêu trò không chính thống.
Để đưa MV của Sơn Tùng "lên top", các fan đã tích cực xem đi xem lại MV nhiều lần trong ngày và mở trên nhiều thiết bị khác nhau. Nhiều bức ảnh chụp MV "Nơi này có anh" được phát cùng lúc trên hàng chục smartphone, máy tính bảng và thậm chí trên tất cả máy tính của phòng máy Internet được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Các fan của Sơn Tùng MTP tìm mọi cách để tăng view cho MV "Nơi này có anh". Ảnh: Fanpage Sơn Tùng. |
Bên cạnh đó, đội quân "cày view" còn đi rải link khắp các hội nhóm, diễn đàn, kênh YouTube khác để mời gọi người xem.
Theo Nguyễn Mạnh Hùng, một người làm trong lĩnh vực MMO (kiếm tiền qua mạng) ở TP.HCM, những cách "cày view" trên chủ yếu dựa vào số đông và vẫn ở cấp độ "chân chính". Theo Hùng, trong vài năm qua, những chủ kênh YouTube ở Việt Nam lẫn thế giới liên tục chia sẻ các mẹo tăng view cho video của mình bằng những cách chính quy lẫn chiêu trò.
Cụ thể, trò "tà đạo" phổ biến nhất là các công cụ tự động phát video. Khi sử dụng, người dùng điền link video YouTube cần tăng, chọn thời gian phát video giữa các lần. Công cụ sẽ tự động thay đổi IP, Proxy liên tục để đánh lừa bộ đếm YouTube. Cách này cũng chỉ phát huy tác dụng nếu bật phần mềm trong thời gian dài, hoặc chạy đồng thời trên nhiều thiết bị.
Tuy nhiên, theo Mạnh Hùng, cách này chỉ sử dụng được cách đây vài năm. Khi YouTube áp dụng cách tính "301+" để đánh giá một video vừa ra lò. Nếu video đó nhận được lượt xem lớn bất thường trong khoảng thời gian ngắn, bộ đếm view sẽ hiển thị ở mức 301+ và dừng lại, âm thầm rà soát các lượt xem để kiểm tra đó là người xem thật sự hay không.
Nếu phát hiện gian lận, YouTube sẽ "đóng băng" lượt view của video nghi vấn. Bộ lọc thông minh này đã chặn đứng không ít công cụ tăng view ở thời điểm đó, khiến các nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc hơn, đảm bảo quyền lợi cho những chủ kênh chân chính.
Các chiêu trò tăng view YouTube phổ biến. Đồ hoạ: Duy Tín. |
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, không ít chủ kênh còn "câu view" bằng cách đạo, nhái lại các video đang hot, ăn theo tên của người nổi tiếng hoặc sẵn sàng "giật title" gây tò mò nhưng nội dung bên trong không có gì. Cách này hiệu quả và không vi phạm chính sách của YouTube, nhưng thường gặp phản ứng không tốt từ người xem. Ví dụ gần nhất là loạt video "nhái" phim hoạt hình Disney có nội dung phản cảm do người Việt làm gây xôn xao.
Lợi dụng thói hám view của các chủ kênh YouTube, không ít hacker và các trang tin giả mạo đăng tải các bài hướng dẫn "tăng view YouTube cực nhanh" nhưng thực chất lừa người dùng chèn các đoạn code chạy quảng cáo hoặc cài thêm các ứng dụng độc hại, đánh cắp thông tin, phát tán thư rác.
Theo khuyến cáo từ chính Google, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube có nhiều cách chân chính để tăng lượt view. Yếu tố "câu view" quan trọng nhất vẫn là nội dung. Một video có nội dung tốt (sâu sắc, hài hước, hình ảnh đẹp, câu chuyện độc đáo, tư liệu độc quyền) thường được chia sẻ rộng rãi. Tiếp đến, các chủ kênh cần đầu tư nghiêm túc cho tiêu đề (ngắn gọn, đủ ý, khơi gợi tò mò), điền đầy đủ phần mô tả và các tag để bộ máy tìm kiếm của Google và YouTube có thể phát hiện, gợi ý cho người xem. Phần thumbnail (ảnh đại diện cho video) phải là khoảnh khắc hấp dẫn nhất, trực quan nhất của video đó. Sau đó, chủ kênh YouTube có thể tận dụng mạng xã hội, hệ thống quảng cáo Adword, Facebook Ads (nếu có kinh phí) hoặc trao đổi view với các nguồn khác. |
Theo Duy Tín (Zing.vn)