Sau hơn 2 thập kỷ góp mặt trên thị trường công nghệ, Yahoo đã chính thức bị khai tử sau nhiều quyết sách sai lầm. Trước đó, Kodak, Motorola, Blockbuster, Nokia cùng mắc phải sai lầm.
Yahoo ngộ nhận về bản thân
Ra đời năm 1995, Yahoo đã trở thành công ty tiên phong trong lĩnh dịch vụ Intertnet với gần một tỷ người dùng. Ở thời điểm đó, Yahoo đóng vai trò như cổng thông tin tổng hợp từ tìm kiếm, thư điện tử, blog đến game, lưu trữ... Vào thời kỳ hoàng kim (năm 2000), giá trị vốn hóa thị trường của Yahoo đạt 128 tỷ USD, gấp 2 lần Walt Disney. Quy mô nhân sự đạt đỉnh điểm vào năm 2007 với 14.000 người.
Yahoo từng có thể thôn tính được Google nhưng họ không làm. |
Nhưng khủng hoảng tài chính xuất hiện một năm sau đó đã nhanh chóng xóa đi tất cả. Nguyên nhân là do ban lãnh đạo Yahoo đã không tìm được hướng đi cho riêng mình mà chỉ biết kiếm tiền bằng bán quảng cáo vì lầm tưởng Yahoo là công ty truyền thông, không phải hãng phần mềm.
Trước đó, Yahoo cũng được cho là đã mắc sai lầm khi bỏ qua cơ hội thôn tính Google ở thời điểm công ty này mới xuất hiện trên thị trường và quy mô hoạt động còn nhỏ bé. Để giờ đây, Google trở thành thương hiệu lớn nhất trên Internet khiến Yahoo không đủ sức cạnh tranh, đành chấp nhật bán mình với giá 4,48 tỷ USD, chấm dứt 22 năm phiêu lưu trên thị trường công nghệ.
Kodak thờ ơ với máy ảnh số
Cũng mắc phải sai lầm tương tự là Kodak. Do ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, nên hãng máy ảnh danh tiếng nước Mỹ đã không nhận thấy thời cuộc đang thay đổi.
Thờ ơ với máy ảnh số khiến Kodak phá sản. |
Còn nhớ năm 1975, khi một kỹ sư của hãng đã trình bày ý tưởng về máy ảnh "không dùng phim", ban lãnh đạo Kodak đã cười lớn vì cho rằng: Điều đó thật hoang đường. Gần 4 thập kỷ sau, năm 2012, Kodak đã phải tuyên bố phá sản vì không kịp thích nghi với kỷ nguyên kỹ thuật số, cho dù hãng đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số, nhưng lại không có lòng tin vào sản phẩm đó.
Blockbuster từ chối Netflix
Năm 2000, Reed Hastings đã gặp Blockbuster - công ty cho thuê DVD và video trò chơi đình đám thời đó - để chào bán Netflix với giá 50 triệu USD. Tuy nhiên, Blockbuster đã từ chối lời chào mới này. Đó chính là điều mà sau này ban lãnh đạo Blockbuster phải hối tiếc. Vì sau đó, Blockbuster đã biến mất trên thị trường mà nguyên nhân là do Netflix đã góp phần khiến DVD trở nên lỗi thời.
Nokia chọn sai đối tác và nền tảng tiếp theo
Khi Nokia đang dẫn đầu và là hãng đầu tiên đưa ra khai niệm smartphone, thì Apple chẳng là gì cả trên thị trường điện thoại. Tuy nhiên, sai lầm của Nokia xuất phát từ đây khi ông hoàng di động thời đó đã không sớm nhận ra mối đe dọa từ iPhone.
Nokia sai lầm trong việc chuyển qua Windows Phone. |
Trong khi Apple cho ra đời hệ điều hành iOS với cả hệ sinh thái đi kèm mang đến người dùng trải nghiệm mới mẻ và thú vị khi tương tác với điện thoại, Android cũng bắt đầu trỗi dậy và đi theo con đường của iOS, thì Nokia vẫn trung thành với hệ điều hành Symbian đã già cỗi, lạc hậu.
Khi nhận ra sai lầm này, thì Nokia lại mắc phải sai lầm khác khi quyết hợp tác với Microsoft đang có mưu đồ dựa vào Nokia để tiến vào thị trường điện thoại. Hệ quả là dòng điện thoại Windows Phone đã không có được kết thúc có hậu. Nokia bị thôn tính, dòng smartphone Lumia bị khai tử. Tất cả đã đặt dấu chấm hết cho triều đại Nokia.
Motorola
Sau nhiều lần đổi chủ, số phận của Motorola đã được định đoạt khi Lenovo tuyên bố không sử dụng tên gọi Motorola cho các dòng điện thoại của hãng. Điều đó cũng có nghĩa thương hiệu Motorola chính thức biến mất khỏi thị trường điện thoại kể từ năm 2016.
Motorola hiện đã mất thương hiệu. |
Quyết định trên không khiến giới phân tích thị trường bất ngờ, nhưng đã để lại nhiều tiếc nuối không chỉ cho fan của Motorola mà cho cộng đồng công nghệ thế giới. Bởi trước đó, Motorola từng là biểu tượng của người Mỹ, nằm giữ vị thế dẫn dắt thị trường điện thoại di động trong những năm 1990 trước khi bị Nokia tiếm ngôi vào năm 1998.
Nhưng cũng giống như Nokia, Motorola đã mắc sai lầm khi không thể bắt kịp những đổi mới nhanh chóng của thị trường điện thoại và bị tụt lại phía sau trước những bước tiến mạnh mẽ của Apple và Samsung.
Theo Quang Huy (Sống Mới)