Dù smartphone ngày càng có kích thước lớn hơn, phức tạp hơn, kiểu dáng tinh tế hơn nhưng vẫn không thoát khỏi hai nhược điểm phổ biến sau đây.
1. Không đủ bền
Bạn hãy cứ thử nhìn ra xung quanh. Tất cả mọi người dù trên tàu, trong quán ăn, trên máy bay, hầu hết đều trang bị cho smartphone của mình một chiếc ốp lưng hoặc vỏ bảo vệ.
Trong một bài viết của phóng viên Walt Mossberg trên trang Recode có đoạn: “Ở thử nghiệm cuối, tôi đã chẳng may đánh rơi chiếc Apple iPhone 6 được cho mượn để viết bài đánh giá. Trong cú rơi ấy, mặt kính của chiếc máy đập thẳng xuống sàn bê tông từ độ cao 1,5 mét trong khi tôi đang mải chụp ảnh. Đó hoàn toàn là lỗi của tôi nhưng toàn bộ mặt kính của chiếc điện thoại bị vỡ nát”.
Dĩ nhiên đó là lỗi của Walt nhưng tại sao một chiếc điện thoại cao cấp như iPhone lại không thể chịu được cú rơi từ độ cao 1,5 mét. Ôtô được trang bị hệ thống chống va đập, tại sao smartphone lại không?
Trong khi đó cách đây 10 hay 15 năm, tôi cá rằng nếu bạn thử thả rơi một chiếc điện thoại nắp gập hay những chiếc BlackBerry đời cũ hoặc Nokia cục gạch huyền thoại, chắc chắn nó chỉ có thể tung pin ra, sau đó vẫn dùng được bình thường khi lắp lại.
Những chiếc điện thoại ngày nay có kiểu dáng rất đẹp, nhưng đẹp lại đi đôi với dễ méo hoặc xước. Với thử nghiệm thả iPhone 6 hay 6 Plus, nếu không bị vỡ màn hình thì thiết bị của bạn cũng sẽ móp góc hoặc xước. Những thứ này làm giảm giá trị chiếc điện thoại của bạn rất nhiều lần, nhưng dĩ nhiên, bạn có thể che giấu nó bằng khung hoặc ốp lưng.
Hiện nay trên thị trường có nhiều mẫu điện thoại “siêu bền”, trong đó có dòng Samsung Galaxy Active. Nhưng thành thật mà nói, mẫu mã của các sản phẩm này có phần gồ ghề, và thậm chí hơi thô. Thế nên chúng vẫn không phải là sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.
Tương lai như thế nào không ai biết trước. Nhiều tin đồn cho thấy Apple đang phát triển những chiếc iPhone có màn hình sapphire, một loại vật liệu siêu bền chỉ đứng sau kim cương. Dù chưa hiện thực hóa được điều này trên chiếc iPhone 6 nhưng biết đâu trong những năm tới, thứ kính siêu bền này sẽ loại bỏ được nguy cơ vỡ màn hình cho các sản phẩm smartphone của Apple.
2. Tuổi thọ pin kém
Đáng lẽ những dòng điện thoại cao cấp phải được trang bị pin đủ tốt để bạn dùng thoải mái trong một ngày hoặc hơn như vậy. Thế nhưng rất nhiều người lúc nào cũng trong tình trạng đến chiều điện thoại đã hết pin khi vừa sạc tối hôm trước. Có lẽ, điều gây khó chịu nhất cho người dùng là thời lượng pin smartphone ngày càng đi xuống. Khi vi xử lý của điện thoại thông mình ngày càng nhanh và thậm chí siêu nhanh, màn hình có độ phân giải ngày càng cao, các ứng dụng ngày càng đa nhiệm, thì các nhà sản xuất vẫn chật vật để duy trì hiệu năng pin.
Hãy cứ thử lên Google và gõ từ khóa tìm kiếm “cách tiết kiệm pin cho smartphone”, bạn sẽ thấy có vô số kết quả. Đây là vấn đề của hầu hết mọi người. Từ các chuyên gia cho đến những cư dân mạng bình thường thi nhau bày cách kéo dài thời gian sử dụng điện thoại giữa các lần sạc, từ cắm sạc theo cách truyền thống thay vì cắm vào máy tính cho đến sử dụng bộ sạc dự phòng… Nhưng tại sao chúng ta đã bỏ ra không ít tiền mà vẫn suốt ngày phải lo thiết bị cao cấp đó trở thành “cục sắt” nếu như hết pin?
Nhìn chung hai nhược điểm này đều có thể khắc phục. Nếu sợ vỡ máy, hãy trang bị các ốp lưng và vỏ bảo vệ. Nếu điện thoại nhanh hết pin hay dự phòng sẵn một cục pin khác hoặc bộ sạc rời. Hy vọng một ngày nào đó, các nhà sản xuất smartphone sẽ khắc phục được tất cả những nhược điểm này để chúng ta thoải mái sử dụng điện thoại mà không cần che đậy bằng một chiếc vỏ cồng kềnh hay khư khư bộ sạc vi lo hết pin.
Theo Lê Nga (Ictnews.vn)