Vụ nữ sinh lớp 12 ở Bắc Ninh nhảy cầu tự tử nghi do bị hãm hiếp đang được điều tra với nhiều nghi vấn. Song song với đó, nhiều người băn khoăn về việc trang bị kỹ năng giải quyết khủng hoảng cá nhân và cú sốc khi gặp phải tình huống tồi tệ ở cho thanh thiếu niên.
Tiến sĩ Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học trẻ em và vị thành niên - Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích những diễn biến tâm lý của nạn nhân sau khi trải qua các biến cố như bị cưỡng bức, say xỉn rồi bị xâm hại... và giải pháp giúp vượt qua ý nghĩ tiêu cực, tránh ý tưởng liên quan đến cái chết.
Chúng tôi ghi lại.
Diễn biến tâm lý của nạn nhân trước khi tự tử
Câu chuyện nữ sinh ở Bắc Ninh là điển hình của tình huống nạn nhân gặp sang chấn tâm lý nghiêm trọng sau khi trải qua một sự việc tiêu cực. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tất cả nạn nhân của các vụ hãm hiếp, cưỡng bức hoặc trải qua biến cố tồi tệ, đều có suy nghĩ và kế hoạch tự tử, không chỉ ngay sau sự kiện mà còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.
Đó là hệ quả của một dạng rối loạn stress sau sang chấn. Trẻ vị thành niên có xu hướng tự sát cao hơn, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi bất ổn.
Sự việc xảy ra quá đau xót, khiến chúng ta phải nhìn thấy rất nhiều yếu tố ẩn sau có thể thúc đẩy hành vi tự sát của nạn nhân. Nhìn rộng ra, thanh thiếu niên đang phải đối diện với những tình huống sang chấn không mong muốn.
Theo đó, ngay khi ý thức được về những việc mình vừa trải qua, nạn nhân có thể xuất hiện thoáng qua ý tưởng tự sát vì thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng.
Khoảng thời gian tự ngẫm sau đó, các em có thể chìm vào những diễn giải tiêu cực. Nạn nhân sẽ nghĩ đến việc mình chẳng còn giá trị gì, gia đình người thân không bao giờ hiểu được những gì mình đã trải qua, mình sẽ bị trách móc.
Nghiêm trọng hơn, các em có thể hình dung ra việc hung thủ đã ghi lại hình ảnh, đe dọa để tiếp tục lạm dụng, thông tin sẽ bị lộ và mình không thể có mặt mũi nào để sống tiếp.
Cứ thế, một loạt những diễn giải tiêu cực sẽ dẫn đến kế hoạch cho hành vi tự sát.
Đây là một sự việc mà cá nhân học sinh không thể đương đầu. Theo cách thức này, tự sát thể hiện sự tuyệt vọng của các bạn trẻ khi nghĩ đến kỳ vọng của người khác dành cho mình và những điều tồi tệ sau khi xảy ra sự việc.
Tự sát thể hiện sự tuyệt vọng của các bạn trẻ khi nghĩ đến kỳ vọng của người khác dành cho mình và những điều tồi tệ sau khi xảy ra sự việc
Đây cũng có thể là cách mà nạn nhân muốn bày tỏ, giải thích, giao tiếp với người thân. Nhưng vì không có kỹ năng, các em thường cảm thấy bất lực trong việc có thể nói ra với gia đình, bạn bè để nhận được sự chia sẻ, thông cảm.
Việc tự tử để nói lên rằng chính người khác là nguyên nhân gây ra cái chết của các em, đẩy các em đi đến bước đường cùng.
Trong khi đó, nhiều em sau khi trải qua các tình huống xấu, xuất hiện ý định tự tử vì nghĩ đến sự trả thù. Thông thường nếu đối tượng gây hại là người thân thiết thì nạn nhân cho rằng hành động của mình sẽ khiến đối tượng đó bị trừng phạt về pháp luật hoặc trừng phạt về lương tâm hoặc cả hai; đồng thời phải sống trong mặc cảm tội lỗi.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ thay vì xác định rõ mình là nạn nhân, cần được hỗ trợ, thì lại có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân. Các em tự dằn vặt về những điều mình đã làm để người khác có cơ hội lạm dụng, từ đó tiếp tục luẩn quẩn trong sự trách móc bản thân. Với diễn biến tâm lý này, cái chết được các em nghĩ đến để trừng phạt bản thân mình.
Giới trẻ phải được trang bị kỹ năng vượt qua khủng hoảng cá nhân
Có thể thấy sau khi đối diện với các sự việc tồi tệ, nạn nhân có xu hướng sang chấn tâm lý và bắt đầu chìm vào những suy nghĩ tiêu cực. Trong khi đó, các em hoàn toàn có thể kiểm soát chuyện này nếu được trang bị kỹ năng vượt qua khủng hoảng cá nhân.
Trong các trường hợp này, kỹ năng quan trọng nhất là việc chia sẻ với người khác. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các em không nên ở một mình mà cần tìm cách nói chuyện với người mình cảm thấy tin tưởng nhất. Đó có thể là bố, mẹ, người yêu hoặc bạn bè, những người có thể trấn an mình.
Để làm được điều đó, các em cũng phải tự mình vượt qua được những nỗi sợ bị trách móc, đàm tiếu hay dè bỉu. Trong các trường hợp bị xâm hại, hãy nhớ các em luôn là nạn nhân và có quyền được người khác bảo vệ. Nạn nhân không có lỗi và kẻ phải chịu tội là những người đã gây ra tổn thương cho các em.
Cái chết của người bị hại chỉ gây đau đớn cho gia đình và bạn bè, hoàn toàn không có ý nghĩa giải quyết sự việc.
Trong khi đó, những người thân trong gia đình hay bạn bè, khi đón nhận câu chuyện cần tinh tế, không gây tâm lý tiêu cực cho nạn nhân bằng lời chì chiết, đánh giá.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các em không nên ở một mình mà cần tìm cách nói chuyện với người mình cảm thấy tin tưởng nhất. Đó có thể là bố, mẹ, người yêu hoặc bạn bè, những người có thể trấn an mình
Đặc biệt, người nghe phải gạt bỏ suy nghĩ "nó chỉ nói thế thôi chứ không chết thật đâu" khi lắng nghe tâm sự của người bị hại. Bất kỳ câu chuyện tồi tệ nào được nói ra từ chính nạn nhân kèm với mong muốn "được chết đi" đều là thật.
Hãy lắng nghe bằng thái độ nghiêm túc và thể hiện sự quan tâm tới câu chuyện của nạn nhân. Từ đó, tìm cách khuyên ngăn những ý nghĩ dại dột, bằng việc đưa ra những góc nhìn tích cực sau sự việc.
Phụ huynh cũng không nên xoáy sâu vào sự việc, tra hỏi đến cùng, tôn trọng cảm xúc của con mình và luôn ở bên cạnh con trong suốt thời gian đầu sau biến cố.
Phụ huynh tránh tạo ra cảm xúc tiêu cực cho con
Để tránh con trẻ có những suy nghĩ tồi tệ, đặc biệt đối với lứa tuổi nhạy cảm như vị thành niên, phụ huynh cần chú ý tránh để con cái có nhiều suy nghĩ tiêu cực về cha mẹ. Trong suốt quá trình nuôi dạy con, phụ huynh không nên áp đặt quá nhiều kỳ vọng, trầm trọng hóa lỗi lầm con cái có thể mắc phải trong cuộc đời như là điều không thể chấp nhận và gây mất thể diện gia đình dòng tộc.
Bên cạnh đó, những kết cục đau lòng luôn có một phần lý do của việc phụ huynh không nhận ra các yếu tố gây tổn thương sức khỏe tinh thần đã tồn tại sẵn trong tâm lý của con mình.
Một hệ thống giáo dục chỉ coi trọng điểm số mà chưa quan tâm đến việc giáo dục các kỹ năng sống cũng là lỗ hổng khiến các em khó có cơ hội được học cách tự trấn an chính mình.
Bố mẹ thường không nhìn thấy áp lực học tập, cuộc sống, sự bất ổn của lứa tuổi hay áp lực khi chứng kiến những thông điệp bạo lực xấu xí trong gia đình, trong môi trường xung quanh và trên mạng xã hội. Trong khi chính những điều này làm cho các em mất niềm tin vào người khác, mất niềm tin vào tương lai hay cuộc sống.
Một hệ thống giáo dục chỉ coi trọng điểm số mà chưa quan tâm đến việc giáo dục các kỹ năng sống cũng là lỗ hổng khiến các em khó có cơ hội được học cách tự trấn an chính mình.
Và từ đó, việc thiếu những kỹ năng về việc đương đầu với áp lực, giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc, đã góp phần tạo ra một nhóm người trẻ thiếu bản lĩnh, không dám đối mặt với những cơn khủng hoảng trong cuộc đời.
Theo Mỹ Hà (Tri Thức Trực Tuyến)