Vợ chồng vay 13 cây vàng để 'đu đỉnh' mua nhà: Giờ không dám ăn tiêu vẫn chật vật trả nợ

02/11/2024 10:31:21

Câu chuyện của cặp đôi dưới đây có thể cho bạn nhiều lời khuyên trước khi quyết định vay nợ mua nhà.

Vay nợ để mua nhà không phải là câu chuyện xa lạ với những người trẻ muốn sở hữu bất động sản giữa bối cảnh giá nhà, giá đất ngày một tăng cao. Tuy nhiên, trước khi vay nợ thì bạn phải tính toán kỹ lưỡng về cả khoản vay, lãi suất và mức thu nhập hàng tháng để không gặp áp lực trả nợ về sau này. Câu chuyện của cặp vợ chồng sống ở TP.HCM, khi đi mua nhà dưới đây có thể đưa ra nhiều kinh nghiệm cho bạn tham khảo về sau này.

Mới đây, trong một hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý tài chính và đầu tư, tâm sự của một người vợ nhận được nhiều quan tâm. Cô nàng cho hay vợ chồng họ "cảm thấy vô dụng trong chính khoản nợ của gia đình mình" sau khi quyết định vay vàng để mua nhà.

Cụ thể, trước kia cả hai từng đi thuê nhà. Nhưng sau đó nghĩ đến tiền thuê nhà đắt đỏ và muốn cho con có chỗ ở thoải mái hơn nên quyết định mua nhà giữa cơn sốt đất vào năm 2020. Để mua được nhà, họ đã mượn khoảng 13 cây vàng, giá 52 triệu/cây. Ban đầu, cặp đôi dự định 1-2 năm sau sẽ hoàn thành hết nợ do lúc ấy, công việc của chồng kiếm được tiền.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đến khiến công việc của họ ngày càng khó khăn. Do tiền kiếm được ít nên khả năng trả nợ chậm dần.

"Cuộc sống gia đình cũng tầm trung chứ không dám ăn tiêu hoang phí, sau 4 năm thì vẫn còn nợ khoảng 8 cây vàng nữa, trong khi giá vàng hiện tại mỗi ngày mỗi tăng cao nhìn phát chóng mặt", người vợ chia sẻ lý do khiến cô stress về khoản nợ của gia đình. 

Cô cũng nói thêm, do mấy năm gần đây ở nhà sinh con nên bỏ bê công việc chuyên ngành. Giờ cô muốn đi làm lại kiếm tiền thì cũng không biết nên làm gì. Cũng vì thế, mối lo về khoản nợ vay mua nhà của gia đình lại càng gia tăng.

Vợ chồng vay 13 cây vàng để 'đu đỉnh' mua nhà: Giờ không dám ăn tiêu vẫn chật vật trả nợ
Người vợ chia sẻ: Nhìn giá vàng tăng thì "chóng mặt" nên lại càng lo lắng cho khoản nợ mua nhà của mình (Ảnh minh hoạ)

Bên dưới bài đăng, nhiều người đã bày tỏ sự thông cảm và dành lời động viên cho cặp vợ chồng. Bên cạnh đó, số đông khác cũng chia sẻ, không chỉ riêng cặp đôi mà nhiều người cũng rơi vào cảnh khó khăn khi vay nợ mua nhà, do không lường trước được sự thay đổi về tài chính và công việc của vợ chồng.

Một số bình luận bên dưới bài đăng.

- "Mình cũng mua nhà 2018, vay ngân hàng và vay 6 cây vàng (thời đó, vàng giá 35), giờ vẫn còn nợ 2 cây. Nhưng xét cho cùng có người cho vay và vay mà thực hiện được mục đích của mình là ổn rồi. Vàng tăng thì bất động sản cũng tăng nên vẫn thấy mình may mắn. Giờ mình cố cày để hoàn thành trả nợ sớm cho bản thân và người cho vay".

- "Cố lên bạn ơi, vàng lên tuy có cao nhưng lương và đất cũng tăng mà. Cố thêm 1 thời gian là có nhà rồi. Vàng thì kéo giãn thời gian trả nợ cũng được".

- "Cố gắng lên bạn, mình cũng nợ nhiều như bạn. Nhiều lúc stress lắm mà đang cố gắng vượt qua".

- "Đồng cảm với bạn nha, nhưng chắc mình may mắn hơn bạn vì có người thân hỗ trợ. Minh cũng từng mua nhà lúc đỉnh ( năm 2018), sinh con lúc dịch năm 2021 khó khăn thực sự (giãn cách không làm việc), những năm sau đó mình cũng ở nhà chăm con. Cố lên bạn!".

- "Vui vẻ và suy nghĩ tích cực mình ơi. Vàng tăng thì giá nhà đất cũng tăng mà. Chứ đâu phải vàng tăng mà giá nhà đất giảm đâu. Mình mua nhà mà đất giảm, chỉ vàng tăng mới sợ. Điều may mắn là người ta cho mình vay vàng mà không đòi vào thời điểm này á".

- "Em cũng vay vàng để xây nhà. Chồng em đi làm kiếm tiền có bao nhiêu thì trả hết nợ vàng trước. Giờ còn nợ 2 chỉ của người nhà thôi. Tiền ngân hàng em vẫn nợ. Chúc bác nhiều sức khoẻ. Có sức khoẻ lại làm ra tiền bác ạ".

- "Mình thấy vàng lên nhưng bất động sản tăng nên không thiệt. Đừng chăm chăm nhìn giá vàng. Nếu người ta không cho bạn vay vàng mà dùng để mua bất động sản giờ họ giàu to. Chứ bạn nhìn mỗi khoản tiền phải trả thì chả thấy thiệt".

Vợ chồng vay 13 cây vàng để 'đu đỉnh' mua nhà: Giờ không dám ăn tiêu vẫn chật vật trả nợ - 1
Nhiều người khuyên cô vợ bình tĩnh vì giá vàng tăng thì giá nhà sau khi mua cũng tăng (Ảnh minh hoạ)

Nên chuẩn bị tài chính như thế nào trước khi vay nợ mua

Vay tiền mua nhà, mua đất là một trong những quyết định thường thấy. Tuy nhiên, để không gồng trên vai áp lực quá lớn sau khi vay nợ mua nhà thì bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng về khoản vay và khả năng trả nợ của bạn.

Theo quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.

Ví dụ thế này: Thu nhập hàng tháng của bạn là 30.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 30.000.000 x 28% =8.400.000.

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 30.000.000 x 36% = 10.800.000.

Trong trường hợp bạn không có khoản nợ nào khác ngoài tiền vay mua nhà, bạn có thể cân nhắc tăng tỷ lệ vay mua nhà lên thành 36%/tổng thu nhập hàng tháng.

Ngược lại, nếu bạn cần chi trả 20 triệu/tháng cho khoản vay mua nhà và 4 triệu/tháng cho các khoản vay còn lại, tổng nợ phải trả hàng tháng của bạn là 24 triệu. Vậy mức thu nhập bạn cần có để đảm "độ an toàn" khi trả khoản nợ 24 triệu này là: 24.000.000/28% = 85.800.000.

Việc áp dụng quy tắc 28/36 trong quản lý nợ nần nói chung và nợ vay mua nhà nói riêng giúp bạn tính toán và cân đối được số tiền mình phải trả nợ, với tổng thu nhập; từ đó, giảm bớt áp lực tài chính trong quá trình trả nợ, đồng thời, đảm bảo khoản vay này không có quá nhiều tác động tới những nhu cầu cơ bản cần dùng đến tiền trong cuộc sống hàng ngày.

Vợ chồng vay 13 cây vàng để 'đu đỉnh' mua nhà: Giờ không dám ăn tiêu vẫn chật vật trả nợ - 2
Ảnh minh hoạ

Để áp dụng quy tắc 28/36 hiệu quả, bạn cần nhớ những lưu ý dưới đây.

1. Xác định rõ thu nhập và chi phí cố định: Bạn cần xác định rõ thu nhập hàng tháng của mình và chi phí cố định (ăn uống, đi lại,...) để tính toán số tiền vay mua nhà phù hợp với khả năng tài chính hiện tại.

2. Tối ưu hóa ngân sách: Bạn nên tối ưu hóa ngân sách của mình bằng cách cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và tìm kiếm các cách tiết kiệm chi phí.

3. Lên kế hoạch dài hạn: Bạn nên lên kế hoạch dài hạn để đảm bảo rằng bạn có đủ tiền để trả nợ và duy trì sự ổn định tài chính trong suốt quá trình trả nợ.

4. Ưu tiên trả hết các khoản nợ trước khi vay mua nhà.

5. Duy trì dự trữ tài chính: Ngoài khoản tiền dành cho việc trả nợ, bạn nên có một khoản quỹ khẩn cấp để dùng trong những trường hợp bất khả kháng, không có dự định trước.

6. Làm đẹp điểm CIC: Điểm tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng để ngân hàng duyệt đơn đề nghị vay của bạn. Không có nợ xấu, chưa từng chậm trả các khoản nợ là điều cơ bản và cũng dễ thực hiện nhất để điểm tín dụng của mình luôn đẹp, tăng khả năng vay khi có dự định vay mua nhà.

Theo Nguyệt (Phụ Nữ Số)

Nổi bật