Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là cách thức quản lý tiền bạc. Người giàu biết quản lý tiền bạc, còn người nghèo thì không. Lý do của đa số mọi người là: họ không có nhiều tiền để quản lý, nó không tương xứng với thời gian để phải quản lý.
Tự nhận mình là một người không biết quản lý tiền, cũng không cân đo đong đếm số tiền trong ví còn lại bao nhiêu, vlogger Giang Ơi lại chia sẻ 5 bí quyết để quản lý tiền tốt hơn từ chính kinh nghiệm bản thân.
Trong đó, có rất nhiều điều đơn giản hoặc tưởng chừng như 'ngược đời' mà chúng ta có thể đã bỏ qua như gửi tiền tiết kiệm, mua đồ đắt tiền, không dùng thẻ tín dụng và săn đồ sale cũng như dùng tiền để đầu tư.
1. Mỗi tháng luôn gửi tiền tiết kiệm qua App
Thường mỗi ngân hàng đều có một cái app để các bạn thao tác rất tiện và nhanh chóng. Ngày xưa mọi người phải canh giờ hành chính, mang cọc tiền mặt ra ngân hàng gửi rồi lấy sổ, giờ thì bạn chỉ cần nhấn nút là có ngay một tài khoản tiết kiệm rồi. Vậy điều mà mình làm hàng tháng là gửi một khoản tuỳ khả năng vào tài khoản tiết kiệm ngay thời điểm nhận tiền.
Mỗi tháng thì % thu nhập gửi tiết kiệm có thể sẽ cố định, có thể sẽ dao động tuỳ thuộc tháng đó có khoản chi nào lớn hay không. Những bạn đi làm công ty có thể dành ra 10% - 50% lương, những bạn freelancer thì một phần của mỗi dự án. Nhưng việc dành ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng, dù ít hay nhiều cũng đều là rất quan trọng để mình dần dần xây đắp được một khoản tiền lớn nhằm vào các mục đích lớn hơn. Mỗi tháng bạn tiết kiệm được bao nhiêu % thu nhập?
2. Mua đồ đắt tiền
Việc tinh giản hoá cuộc sống làm cho mình tỉnh táo hơn trong việc nhận biết những đồ đạc gì thực sự quan trọng và cần thiết, và những gì thuộc về thú vui. Đúng là con người có nhiều khoản chi 'chỉ để chi tiền cho vui' và khi chúng ta sống đơn giản hơn, chúng ta sẽ giảm được những khoản chi ấy. Khi số đồ đạc giảm đi, mình có điều kiện mua đồ cao cấp và bền đẹp với thời gian. Từ đó chúng lại giúp mình tiết kiệm chi phí sửa chữa thay thế, hơn nữa không tốn tiền mua đồ lặt vặt linh tinh thích được vài bữa rồi vứt.
Đọc đến đây, mình đoán là nhiều bạn sẽ nghĩ: 'Nhưng không có tiền để mua đồ xịn ngay từ đầu thì mua kiểu gì?' và mình hoàn toàn hiểu điều đó. Nhưng có lẽ bạn không cần nhiều đồ như bạn nghĩ. Có lẽ thay vì 7 cái áo thì bạn chỉ cần 3 cái thôi. Có lẽ bạn chỉ cần 3 cái đĩa sứ chứ không phải 10. Mấy thứ đồ rẻ nhưng lặt vặt, mua quá nhiều chính ra lại làm bạn tốn tiền hơn, chưa kể làm 'rác nhà' nữa.
Khi bạn còn ít tiền, bạn rất dễ bị mắc vào cái bẫy phổ biến là dựa niềm vui của mình vào số đồ bạn sở hữu. Vì khi mình chưa có nhiều tiền thì việc mua được một thứ gì đó là một thành tựu nho nhỏ chứng tỏ mình đang thành công hơn trước. Nhiều người coi việc mua được nhiều đồ là niềm vui hưởng thụ sau những giờ phút làm việc vất vả. Thật khó để không cảm thấy thèm thuồng những gì mình còn thiếu. Mình hiểu những điều đó và chính bản thân mình cũng đã đi qua cảm giác ấy những năm mới ra trường đi làm. Nhưng hãy tin mình, thực ra bạn không cần nhiều đồ lặt vặt đến thế. Thực ra niềm vui không nằm ở chỗ ấy.
3. Không dùng thẻ tín dụng
Mình biết rằng tới đây sẽ rất rất nhiều bạn phản đối mình. Và đây cũng là cách riêng, phù hợp với cá nhân mình thôi chứ không áp dụng với tất cả. Mình là người không giỏi quản lý tiền bạc, không suy nghĩ nhiều khi chi tiêu, không nhớ mình đã tiêu cái gì, không để ý mình còn bao nhiêu tiền. Vì thế, cá nhân mình cho rằng có lẽ thẻ ngân hàng tiêu trước trả sau không phù hợp với mình.
Đúng là thẻ tín dụng không phát sinh tiền lời nếu bạn hoàn trả đúng hạn. Nhưng đối với mình thì thật dễ để quên cái hạn ấy.
Đúng là thẻ tín dụng cho chúng mình nhiều khuyến mãi đi khi ăn uống mua sắm. Nhưng có lẽ những khuyến mãi ấy sẽ lại kích thích mình đi tiêu những khoản mà đáng lẽ mình không tiêu ngay từ đầu.
Đối với một người kém quản lý tiền bạc như mình thì có lẽ thẻ debit - có nhiêu xài nhiêu - là phù hợp hơn cả.
4. Học cách đầu tư
Tiền đẻ ra tiền - đây không phải khái niệm mới, nhưng những người trẻ như chúng mình cần có thời gian và kinh nghiệm sống để học và thực hiện. Đầu tư có thể đơn giản là gửi tiết kiệm ngân hàng, cũng có thể là chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu, kinh doanh, rất nhiều kênh khác nhau.
Sau khi kiên trì tiết kiệm và tiết kiệm và tiết kiệm hàng tháng thì bạn sẽ có một khoản tiền nhất định. Lúc này bạn cần quyết định nên làm gì với nó. Tất cả những kênh đầu tư mình nói ở trên đều cần học và học và học rất nhiều để nắm được nó và đưa ra những quyết định khôn ngoan, không có gì là tấm vé số chắc ăn.
Mình đã chọn kênh mà mình cảm thấy mình hiểu nhất, liên tục đọc và quan sát, hỏi han những người đi trước. Mình mày mò làm từng bước nhỏ trước, lớn sau. Không bỏ hết trứng vào một giỏ. Hiểu rằng lời lớn thì rủi ro lớn, lời ít thì cũng ít rủi ro. Biển lớn thì sóng lớn, hãy chọn lựa kênh đầu tư phù hợp với mình và làm cho tiền của mình tiếp tục đẻ ra tiền nhé.
5. Cách mua đồ sale
Những đợt sale chắc chắn là rất hấp dẫn và trong chúng mình chắc chắn ai cũng từng vác về nhà những món đồ sale chỉ mua 'vì rẻ quá' mà cuối cùng chẳng dùng đến bao giờ. Chiến thuật của mình là mỗi đợt sale chỉ mua những thứ cần, không mua những thứ muốn. 'Cần' và 'muốn' chỉ cần bạn trung thực với bản thân một chút là bạn sẽ phân biệt được. Bạn biết bạn cần dùng cái gì hàng ngày. Bạn biết bạn có cần thêm một màu son nữa hay không. Thực ra là bạn biết đó.
Trên đây là những chia sẻ ngắn mà Giang Ơi muốn gửi đến các bạn trẻ để có thể quản lý tài chính một cách tốt hơn, bên cạnh việc cố gắng kiếm được nhiều hơn.
'Hãy nhớ gợi ý chỉ là gợi ý, không có phương pháp nào 'one size fits all' - vừa vặn với tất cả mọi người. Mỗi tính cách, hoàn cảnh và tuổi đời sẽ có những cách làm phù hợp riêng', Giang ơi chia sẻ thêm.
Theo Vũ Linh (báo Đất Việt)