Nếu còn nhớ bài viết những nghịch lý làm giàu của người giàu, chắc hẳn chúng ta vẫn còn không ít chấn động dư âm bởi cách sống tằn tiện của các cá nhân thành đạt giúp họ tiết kiệm và làm giàu thêm.
Ví dụ như một bác sĩ nổi tiếng ở Boston cho rằng thay vì chi 2.000USD mua vé máy bay hạng thương gia thì ông chỉ mua vé thường, lúc này 2.000USD tiết kiệm được với ông giống như việc người ta cho ông tiền; hay doanh nhân Jerrod Sessler tự làm giàu cho mình trong việc mua hàng ở siêu thị bằng cách tìm nguồn cung cấp để yêu cầu mua sỉ thay vì mua lẻ; thậm chí doanh nhân August Turak còn dành thời gian để tích cóp những mẫu xà phòng vụn để xài tiếp chứ không mua mới vội khi bánh xà phòng hết,...
Tuy nhiên, đừng nghĩ doanh nhân, người giàu nói gì cũng là chân lý bởi đôi khi trong số họ vẫn xảy ra mâu thuẫn quan điểm. Đơn cử như mới đây Ramit Sethi - triệu phú tự thân, doanh nhân và là tác giả của quyển sách nổi tiếng "I Will Teach You To Be Rich" đã có một bài chia sẻ khá mâu thuẫn với việc làm giàu theo hướng "tằn tiện" của những cái tên bên trên.
Sống "tằn tiện" để tiết kiệm và những sai lầm khi hoang phí thời gian
Theo đó, Ramit Sethi cho rằng, những người giàu thường rất khó thay đổi thói quen của mình trong khía cạnh thời gian và tiền bạc. Họ có xu hướng duy trì lối sống tiết kiệm quá đà đến mức tằn tiện và xem đó là cách giúp họ giàu thêm. Nhưng nhìn đi nhìn lại, tiết kiệm tiền từng đồng nhưng đánh đổi bằng quá nhiều thời gian chính là một hành động vô cùng sai lầm. Trong khi với khoảng thời gian ấy, họ hoàn toàn có thể làm được nhiều việc tốt hơn, năng suất hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Ramit Sethi đã từng nhận xét người bạn giàu có của mình rằng "thu nhập 750.000 USD/năm nhưng hành xử như một người có thu nhập 50.000USD", sau khi chứng kiến người bạn ấy bận rộn, lo tiêu tốn thời gian vào việc… bếp núc. Trong khi lại hoàn toàn có khả năng chi trả để thuê người giúp việc.
Phí phạm thời gian với Ramit Sethi lúc này đây cũng là một kiểu phí phạm tiền bạc. Anh khuyên mọi người nên chủ động "mua lại" thời gian của mình nếu có khả năng bởi nếu chi tiền hợp lý trong việc này, chúng ta sẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và sẽ có thể thư giãn hơn, cũng như là tập trung hơn trong những việc thật sự quan trọng với mình. Từ đó có thể kiếm thêm khối tiền.
Quả thật, có rất nhiều cá nhân giàu có hiện nay luôn luôn hô hào với các bài răn dạy người trẻ phải biết tiết kiệm thời gian, thời gian là vàng bạc, là những gì quý báu nhất mà chúng ta không nên để hao phí dù chỉ một giây, một giờ. Ấy vậy mà nhìn lại, họ thật sự đã và đang cố gắng làm những điều ngược lại với lý do "tiết kiệm".
Chi tiền "mua lại" thời gian là thể hiện? Sai rồi, bạn đang mâu thuẫn với chính mình đấy!
Ngoài ra, không chỉ những người giàu mới mâu thuẫn mà đôi khi chúng ta cũng vô tình mâu thuẫn với chính mình qua suy nghĩ và hành động mình làm. Không tin ư? Có ngay dẫn chứng.
Ramit Sethi chia sẻ bản thân anh đã từng nghĩ người chi mạnh tay mua vé máy bay hạng thương gia lên đến 5.000USD chỉ để có một chỗ ngồi êm ái trong vài giờ đồng hồ là xa xỉ, hoang phí và có một chút gì đó thể hiện đẳng cấp của giới tinh hoa.
Ấy thế khi đã trở nên giàu có anh đã ngộ ra được nhiều điều. Nếu một người có thu nhập hàng năm lên đến vài trăm nghìn USD thì bỏ ra 5.000USD có là gì. Đổi lại họ được thoải mái thư giãn, tập trung hơn để nghĩ về những việc sinh lời lớn lao hơn. Đây cũng là một cách "mua lại" thời gian.
Và chúng ta cũng đã từng như thế, từng nghĩ rằng một người dám chi tiền để làm những việc mà bản thân họ có thể làm là hoang phí, vô bổ. Tuy nhiên, chúng ta chẳng phải cũng từng vô thức hành động như vậy sao? Nhà cửa có thể tự dọn nhưng lắm lúc vẫn thuê cô giúp việc tới giúp; cơm có thể tự nấu nhưng đôi khi vẫn muốn ra ngoài ăn; siêu thị, hàng tá cửa hàng kề bên nhưng lại thường xuyên click chuột mua online, đợi shipper tới giao và chỉ việc xuống nhận,...
Trong vô thức, những việc chúng ta hay làm kể trên theo Ramit Sethi cũng là một cách "mua lại" thời gian. Thay vì phí thì giờ để "tự thân vận động" chúng ta sẵn sàng bỏ tiền vào ngành dịch vụ, tiết kiệm thời gian cho bản thân mình làm việc khác quan trọng và nhiều giá trị hơn.
Từ những phân tích bên trên, Ramit Sethi khuyên nhủ: Mỗi cá nhân hãy can đảm suy nghĩ nghiêm túc về việc "mua lại" thời gian trong khả năng và phù hợp với thu nhập của mình. Khi chi tiền hợp lý cho việc này, chúng ta chẳng những không phải là một người hoang phí hay thể hiện mà còn là người biết cách sử dụng thời gian để kiếm thêm nhiều tiền hơn.
Tại sao tiết kiệm từng đồng mà lại hoang phí hàng giờ? Nghĩ xem, nếu bỏ qua từng đồng ấy, thì hàng giờ giữ lại được, chúng ta có thể làm gì? Gửi đi 7749 cái email giải quyết công việc tồn đọng, nói chuyện với 800 khách hàng đang có nhu cầu hay đơn giản là ngủ một giấc thật sâu để tiếp thêm năng lượng làm việc,... Quá nhiều, nhỉ?
Theo Old Fashioned (Helino)