Ngày con gái mới lấy chồng, bố mẹ vợ rộng lòng đón con rể về sống cùng nhà vì mong con gái được gần gũi gia đình và cũng muốn san sẻ gánh nặng cho đôi vợ chồng trẻ.
Những tưởng giúp con bớt tiền thuê nhà, được sống trong căn nhà ở thành phố khang trang, chàng rể sẽ biết điều hơn nhưng không. Tất cả những thói xấu của con rể ngày càng bộc lộ, khiến cả nhà vợ khó chịu ra mặt.
Ở nhà vợ, con rể không phải làm gì. Sáng sáng, hai vợ chồng chở nhau đi làm trước khi ăn đồ ăn sáng được mẹ vợ chuẩn bị sẵn.
Bố vợ lo sửa sang, bảo dưỡng mọi thứ trong nhà. Tiền ăn uống, điện nước bố mẹ vợ chỉ lấy 3 triệu, còn lại một tay lo liệu vì thương chàng rể lương 8 triệu, chỉ bằng lương vợ.
Nhiều năm, con rể đi làm về là có cơm canh sẵn, quần áo được giặt là gọn gàng, không phải động tay chân. Ngay cả bát đũa, con rể cũng chưa phải động vào. 2 năm con rể ở nhà vợ là 2 năm bố mẹ vợ lo toan đủ thứ, chiều chuộng như con trai của mình. Suốt 2 năm sống chung nhà vợ, anh chưa từng rửa một cái bát.
Thế nhưng, con rể không biết trân trọng. Cơm mẹ vợ nấu, anh chê khô, canh nhạt, món ăn không hợp khẩu vị. Nhà cửa, mẹ vợ lau hàng ngày, anh vẫn nói bừa bộn. Ngay cả vợ mình, anh cũng than vãn: "Ở nhà mà ăn mặc như người giúp việc thế à?".
Cháu chắt đến nhà chơi, động vào cái gì anh cũng khó chịu. Anh còn ra vẻ là chủ nhà, mắng mỏ, phê bình, dạy đạo lý những đứa trẻ chỉ mới 3-4 tuổi, con nhà chị gái vợ. Những lời nói vô tâm ấy khiến mọi người trong gia đình vợ cảm thấy khó chịu.
Bố mẹ vợ không mong gì nhiều, chỉ mong con rể sống biết điều, biết trân trọng con gái họ. Nhưng anh lại coi như đó là nhà mình, mình là chủ và có quyền lên mặt dạy đời tất cả mọi người. Anh dạy vợ, nói đạo lý với vợ ngay trước mặt bố mẹ vợ. Có lúc anh thẳng tay tát vợ trước mặt bố mẹ vợ. Đó là điều khiến ông bà bất mãn nhất.
Nhiều lần vợ nhắc nhở anh phải khéo léo hơn trong cách ứng xử nhưng anh lại chừng mắt, cho rằng vợ làm vậy là không tôn trọng mình. Một lần, vợ nghe được cuộc điện thoại anh nói chuyện với bạn mới vỡ lẽ, tất cả thái độ của anh suốt 2 năm qua là vì anh bất mãn với mẹ vợ.
Trước đó, khi về ở rể, mẹ vợ từng nói một câu với mẹ anh: “Con bà lấy được con gái tôi chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo. Bà yên tâm đi, tôi sẽ đối xử tốt với con trai bà, cho chúng nó chốn ăn, chốn ở đàng hoàng ở thành phố”.
Câu nói ấy đã ám ảnh anh bao năm tháng qua nhưng anh lại không có đủ tiền để bứt phá ra ngoài ở riêng. Anh cũng không thể bỏ vợ vì vợ anh chẳng có lỗi gì. Sự ấm ức ấy cứ tăng dần theo năm tháng, biến chàng rể trở thành kẻ cáu kỉnh, không biết điều ở chính nơi mình sống.
Anh trút giận lên vợ và hận chính bản thân mình không nỗ lực được, không kiếm được nhiều tiền để thoát mác “chuột sa chĩnh gạo”. Bởi thế, anh dù sống chung nhà nhưng chưa từng coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, vẫn mãi là cảm giác ăn nhờ ở đậu…
Theo PV (VietNamNet)