Trà là một trong những thức uống được ưa chuộng trên toàn thế giới. Theo Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), uống trà hàng ngày có thể giảm nguy cơ tử vong sớm, nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2. Thế nhưng, uống trà ngay sau mỗi bữa ăn - một thói quen của rất nhiều người - lại tiềm ẩn nhiều rủi ro không ngờ tới sức khỏe.
Vì sao không nên uống trà ngay sau bữa ăn?
Trong một buổi phỏng vấn với tờ Mirror, Deborah Grayson, một dược sĩ và chuyên gia dinh dưỡng người Anh, cho biết: “Uống trà ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn có thể ảnh hưởng tới quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, điển hình là hấp thu sắt. Một số hóa chất thực vật có trong trà có thể ngăn cản quá trình hấp thu sắt, đặc biệt nếu bữa ăn đó bao gồm một số loại thực phẩm như thịt đỏ và các loại rau lá xanh đậm. Sắt là một khoáng chất rất cần thiết để vận chuyển oxy khắp cơ thể, cung cấp cho cơ thể năng lượng và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Thiếu sắt có thể khiến cơ thể bị suy nhược và kiệt sức nghiêm trọng, gây rụng tóc và thường xuyên mắc các bệnh viêm nhiễm”.
Theo Sakshi Lalwani, một chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ, axit tannic có trong trà cũng có thể ngăn cản sự hấp thu protein và sắt trong thực phẩm.
Theo chuyên gia Grayson, ngoài trà, cà phê cũng là loại đồ uống mà bạn không nên sử dụng ngay sau bữa ăn để tránh cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng.
Nếu muốn dùng trà và cà phê, tốt hơn hết mọi người nên dùng sau khi ăn 2 tiếng.
Khi uống trà cần lưu ý thêm điều gì?
Ngoài việc không uống trà ngay sau bữa ăn, khi uống trà mọi người cũng cần chú ý không uống quá nhiều. Việc uống quá nhiều trà không chỉ giảm khả năng hấp thu sắt mà còn tăng cảm giác lo âu, căng thẳng, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ và kích thích trào ngược axit dạ dày, gây ợ nóng. Mỗi ngày mọi người chỉ nên uống từ 3-4 tách trà. Vì khả năng dung nạp trà của mỗi người là khác nhau, nếu có các triệu chứng bất thường kể trên, bạn nên giảm lượng trà tiêu thụ.
Thêm vào đó, mọi người không nên uống trà khi đói bụng vì axit tannic có trong trà có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm gia tăng tiết axit dạ dày, dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn, chóng mặt.
Một điều lưu ý khác khi uống trà đó là không uống các loại trà chứa caffein như trà xanh, trà đen sát giờ đi ngủ để tránh gây mất ngủ và làm gián đoạn giấc ngủ. Thay vào đó, bạn nên uống các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc để có được giấc ngủ ngon hơn.
Cuối cùng, khi uống trà hãy uống ở nhiệt độ vừa phải, tránh uống quá nóng. Việc uống trà quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Theo Lam Chi (Nguoiduatin.vn)