Thời đại công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và việc sử dụng các thiết bị có màn hình như máy tính, smartphone, máy tính bảng và tivi... đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quan ngại về thời gian sử dụng màn hình quá mức, không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn.
Theo Reid Health, trước khi đại dịch covid-19 diễn ra, thời gian trung bình mà người lớn ở Hoa Kỳ dành cho màn hình là khoảng 11 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, thời gian này đã tăng lên đến 19 giờ mỗi ngày ở thời điểm covid bùng phát. Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra cho việc dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình với người lớn. Đâu là một mốc giới hạn lành mạnh để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi xem tivi, lướt điện thoại?
Nhìn màn hình quá nhiều mỗi ngày ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe như trầm cảm, giảm chất lượng giấc ngủ, đau nhức cơ thể và thậm chí là tạo ra các hành vi nghiện ngập.
Theo đó, một số tác động tiêu cực của việc sử dụng màn hình quá mức bao gồm mất ngủ và ngủ kém. Ánh sáng nhân tạo từ các thiết bị điện tử có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và khiến não luôn trong trạng thái tỉnh táo, làm khó khăn cho việc thư giãn và chìm vào giấc ngủ. Mỏi mắt và đau đầu cũng là những vấn đề thường gặp do sự chăm chú lâu dài vào màn hình, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng không thích hợp. Hơn nữa, việc sử dụng liên tục các thiết bị có thể tạo ra các hành vi gây nghiện, với người dùng cảm thấy khó chịu khi không thể tiếp cận được thiết bị của mình.
Vấn đề cơ xương như đau cổ, vai và lưng cũng thường gặp do tư thế ngồi không đúng khi làm việc với máy tính hoặc gõ phím, cũng như việc nhìn xuống điện thoại trong thời gian dài. Thói quen này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, việc dành thời gian quá nhiều cho màn hình cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động thể chất, khi thời gian có thể được dùng để vận động lại bị chiếm dụng bởi việc ngồi một chỗ. Điều này góp phần vào việc tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan khác.
Thời gian tiếp xúc màn hình an toàn là bao lâu?
Với trẻ em, thời gian 2 tiếng mỗi ngày là mốc giới hạn thời gian sử dụng màn hình để không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Tuy nhiên người lớn lại chưa có một con số cụ thể nào cho việc này.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng người lớn nên hạn chế thời gian sử dụng màn hình ngoài giờ làm việc xuống dưới hai giờ mỗi ngày và dành thời gian còn lại để tham gia vào các hoạt động thể chất.
bạn cần có thời gian sử dụng hợp lý mỗi khi ngồi trước màn hình máy tính (hoặc màn hình điện thoại thông minh). Thời gian nghỉ ngơi khi làm việc trước màn hình máy tính thường được khuyến cáo là mỗi 20 phút, bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 20 giây và tập trung nhìn xa để giảm áp lực và căng thẳng cho mắt. Đây được gọi là quy tắc "20-20-20".
Để làm được điều này, có một số mẹo có thể áp dụng như tắt thông báo trên điện thoại, đặt hẹn giờ khi sử dụng thiết bị, và không để điện thoại trong phòng ngủ để tránh sự cám dỗ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Theo KenTTT (Nguoiduatin.vn)