Uống rượu lai rai ngày Tết, làm sao để biết nồng độ cồn về 0?

02/02/2025 06:25:11

Đầu năm, mọi người đi chúc Tết có thói quen mời nhau ly rượu hay lon bia. Việc uống rượu bia ít nhưng lai rai khiến trong máu luôn có lượng cồn nhất định.

Rượu bia không tốt cho sức khỏe nhưng đi chúc Tết, tôi rất khó từ chối, đành uống mỗi nhà một ít. Tuy nhiên, tôi khá mệt mỏi và hơi thở có mùi cồn. Làm sao để biết khi nào nồng độ cồn về 0? (Nguyễn Văn Tú - 48 tuổi, TPHCM) Phó giáo sư Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Bệnh viện trường Đại học Y Dược TPHCM tư vấn:

Ngày Tết, người dân hay sử dụng bia rượu, không uống dồn dập nhưng uống nhiều lần cũng làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể. 

Uống rượu bia ở mức vừa phải được định nghĩa là 1 đơn vị cồn ở nữ và 2 đơn vị cồn ở nam. 1 đơn vị cồn tương đương 355ml bia (4-5%); 148ml rượu vang (15%); 44ml rượu mạnh (40%). Một người trưởng thành có sức khỏe bình thường cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải 1 đơn vị cồn. Sau đó, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong máu về 0. 

Trường hợp uống lai rai, bạn tự nhẩm tính. Nếu uống hơn 3 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 7 đơn vị cồn trong tuần ở nữ và nam trên 65 tuổi, 4 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 14 đơn vị cồn trong tuần ở nam từ 65 tuổi trở xuống là quá nhiều.

Theo quy định, bạn lái xe khi hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng.

Làm sao để biết cơ thể còn nồng độ cồn hay không tùy theo từng người. Ví dụ dựa vào cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong rượu bia chứ không có con số cụ thể. 

Một số trường hợp có cồn nội sinh không có nguồn gốc từ rượu bia mà hình thành tự phát trong cơ thể. Đó có thể là quá trình lên men carbohydrate trong lòng ruột do tác động của hệ vi sinh.

Tuy nhiên, cồn nội sinh trong máu thường ở nồng độ rất thấp, thậm chí dưới ngưỡng phát hiện của thiết bị, có thể thay đổi theo tình trạng bệnh lý, bạn không cần quá lo lắng vấn đề này.

Để đảm bảo an toàn, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày, nữ giới không quá 1 đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Khi chưa tự tin hết nồng độ cồn, bạn không nên lái xe.

Để giảm tác hại của rượu bia, bạn nên uống nhiều nước. Rượu làm cơ thể mất nước nên sau khi uống rượu nên uống nhiều nước để bù lại lượng đã mất.

Ăn nhiều trái cây, rau xanh cung cấp các vitamin tan trong nước, là các vitamin dễ bị mất trong quá trình mất nước do rượu và cũng cần thiết cho các hoạt động chuyển hoá rượu của cơ thể. Ăn thực phẩm giàu protein như trứng, đậu, thịt, cá để hỗ trợ quá trình chuyển hóa cồn trong cơ thể. Bạn nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn.

Uống rượu nhiều dẫn đến các nguy cơ như ung thư (ung thư vú, miệng, họng, thực quản, gan…); viêm tụy; đột tử nếu có bệnh tim mạch kèm theo, tổn thương cơ tim (bệnh cơ tim do rượu) dẫn đến suy tim, đột quỵ; tăng huyết áp; bệnh gan; tai nạn nghiêm trọng và tử vong do tai nạn.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)

Nổi bật