Khi còn trẻ, mỗi người đều mang trong mình những ước mơ, hoài bão. Có người dám dấn thân để đi theo con đường mình đã chọn, có những người dừng lại rất sớm để tìm kiếm hai chữ "ổn định".
Mới đây, chàng trai 8X được coi là người xây dựng "đế chế" hiphop Sài thành Việt Max (đạo diễn,- dancer, TP.Hồ Chí Minh) đã khiến không ít bạn trẻ và các bậc phụ huynh phải suy nghĩ vì bức tâm thư bàn về hai từ "ổn định".
Việt Max chia sẻ: "Ở nước ta, tư tưởng có một công việc ổn định và ưu tiên kiếm sống đã giết chết rất nhiều những ước mơ hoài bão. Bước quan trọng của đời người là chọn cho mình một con đường, một cái nghề để sống với nó. Vậy con đường đó, bước chân đó nó có thực sự là con đường ta muốn đi và bước chân ta muốn bước?
Tôi cũng là một thằng đã từng ngoi ngóp trên những con đường ấy và ước mơ đấy. Tôi hiểu rõ tâm trạng của những bạn trẻ đang gặp những loay hoay, những lóng ngóng, những hoang mang, những chịu đựng,…để thực hiện bước đi cho con đường ước mơ của mình nên câu chuyện tôi không dành cho các bạn. Câu chuyện ở đây tôi dành cho những người làm bậc cha bậc mẹ, những người đang mong muốn cho những đứa con của mình có một cuộc sống hạnh phúc giống như tôi.
Tôi còn nhớ thời đi học cấp 2, tôi có một thằng bạn hàng xóm học cùng trường. Nó là thằng xếp vào dạng học sinh yếu kém, nó cũng bị đúp lớp vài năm vì nó không học được. Nó thì chẳng thích thú việc học hành nhưng bố mẹ nó thì luôn chửi mắng và bắt nó phải đi học để còn nên người. Nói chung là hàng xóm láng giềng bạn bè đều cho nó là thằng có vấn đề, kiểu dở hơi thần kinh rung rinh nên mới không học được...
Một ngày nọ, nó vẫn cắp cặp sách ra khỏi nhà và về nhà đúng giờ theo tiếng trống trường, chỉ có điều là nó không còn bước vào cổng trường hay lớp học nữa... Việc đó diễn dài cả mấy tháng trời, hôm thì nó cứ lang thang phía sau trường nhặt lá đá ống bơ, hôm thì ngồi ghế đá ngắm rác trôi trên hồ nước, hôm thì lại thu lu ngồi một góc chợ nhìn ông bán cá, bà bán thịt…
Đơn giản nó làm thế vì nó muốn làm đẹp lòng hai bên: bố mẹ nó thì yên tâm con vẫn đi học chăm chỉ bình thường, còn nó thì không phải gánh nặng đi học nữa. Đấy tính toán như cao thủ chơi cờ mà mọi người lại bảo nó hâm.
Đương nhiên cái kim lâu ngày trong bọc thì cũng lòi ra,…bố mẹ nó biết được và đánh nó một trận tơi bời, sau đó gửi nó về quê làm thợ nghề. Ấy thế nào vài tháng sau tôi lại thấy nó lang thang ở phố vì mới bị đuổi việc…Lúc đó tôi vẫn đang học hành ngon lành hơn nó nên có kiểu suy nghĩ thằng này ăn cứt rồi, cuộc đời mày là trôi vô bờ vô bến…thôi đứt phim nhé…
Rồi bẵng một thời gian tôi thấy nó làm công việc trông xe ngay dưới khu tập thể. Phải nói là nó làm rất tốt công việc đó, ngày xưa học toán với hình học thì không nổi 2 điểm vậy mà khi làm nó nhớ xe của ai, thuộc lòng cả biển số xe…nó sắp xếp xe rất hợp lí, nhanh gọn và đều tăm tắp…Trước đi học thì nó tự kỉ, ít nói, bây giờ nó lại luôn vui vẻ, tươi cười nói chuyện giao lưu với mọi người,…
Từ một thằng mà ai cũng nghĩ khờ khạo, ngu dốt chẳng làm được việc gì cuối cùng lại cũng có vợ, có con và cùng hạnh phúc, giúp nó làm công việc mà nó yêu thích…Trong khi lúc đó tôi thì vẫn đang loay hoay chưa tìm được cho mình một công việc ổn định thực sự, nói gì đến việc hưởng thụ hạnh phúc gia đình.
Vậy đối với chúng ta thế nào là một nghề nghiệp ổn định, thế nào là một cuộc sống hạnh phúc? Phải chăng công việc ổn định là những nghề như kế toán ngân hàng, bác sĩ hay giáo viên? Cuộc sống hạnh phúc phải chăng là cuộc sống kiếm được nhiều tiền để có thể mua nhà, mua xe hơi? Ai cũng muốn làm việc trí óc thì ai sẽ làm việc chân tay?
Những quan niệm cha truyền con nối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó ở nước ta nó như một thói quen vô hình được đưa vào tư tưởng của những bậc làm cha làm mẹ. Thời đại bây giờ thì tư tưởng nhiều gia đình cũng đã thoáng và tiên tiến hơn rất nhiều nhưng đa số các bậc cha mẹ vẫn luôn đưa định hướng và áp đặt cho con cái của mình những công việc mà họ cho là đúng. Kiểu bố mày đang làm ngân hàng thì mày cứ học ngân hàng đi rồi ra trường bố gửi mày vào đấy làm, hoặc kiểu mấy nghề này sắp tới Hot này, bắt kịp thời đại sau này còn được trọng dụng,...vân vân và vân vân…
Nói chung là cứ phải làm gì cho nó nở mặt nở mày với họ hàng, làng xóm và làm việc phải kiểu ngồi mát ăn bát vàng. Còn nói về mấy ngành nghề liên quan đến thể thao hay nghệ thuật, thì thôi ngay, câu chuyện phù phiếm, đó là ngành nghề trâu bò, mơ mộng, không ổn định và thiếu thực tế. Làm nghề đó thì có mà cặp đất mà ăn nhé, toàn là mấy ông nghệ sĩ dỏm.
Thế nhưng đâu phải ai cũng hiểu, những đứa trẻ đều yêu thích tự do và khám phá, đối với chúng cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu và chúng cũng muốn tạo ra những điều kỳ diệu cho cuộc sống. Bị áp đặt một con đường sống hay nghề ổn định chính là cái lồng chật hẹp, ngột ngạt kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của chúng.
Thôi thì chúng ta, những bậc phụ huynh yêu dấu ơi. Hãy cứ để những đứa con của mình bước đi cho dù con đường đó ngay cả đối với ta còn thấy mơ hồ, chúng sẽ tự bước, tự loay hoay, tự vấp ngã,…để chúng tự hiểu được ước mơ đó là ước mơ hão huyền hay đó là ước mơ chính đáng. Có như vậy chúng mới tìm được giá trị cuộc sống qua chính trải nghiệm của mình.
Công việc của chúng ta chỉ đơn giản là chắp cánh cho những ước mơ đấy, cùng mỉm cười, ủng hộ chúng khi chúng tìm thấy được đam mê. Chúng ta đừng biến ước mơ của ta thành ước mơ của chúng. Hãy cứ để chúng được ước mơ, được sống thay vì tồn tại !!!
Còn những bạn trẻ đang có tâm hồn bay bổng hơn những thứ "ổn định". Nếu bạn đang sống lành mạnh, lương thiện và tử tế với ước mơ chính đáng ấy thì sao phải sợ ai ngăn cản. Cứ bay đi, bay thoát khỏi cái lồng ngột ngạt khó thở để say với những ước mơ của mình".
Theo đuổi đam mê từ năm 13 tuổi, hơn ai hết, đạo diễn – dancer Việt Max hiểu rất rõ về niểm khát vọng của những người trẻ. Và khi ở cương vị một người làm cha, anh lại chân thành chia sẻ với các bậc phụ huynh còn mang tư tưởng "ổn định" áp đặt lên con cái.
Bài viết chạm đến trái tim của nhiều người trẻ cũng như các bậc phụ huynh và nhanh chóng nhận được "bão like" từ cộng đồng mạng. Ngay dưới bài viết đầy tâm huyết này, hàng trăm câu chuyện về đam mê và cuộc đời của những người trẻ đã được chia sẻ và giãi bày.
Bức "tâm thư" hơn 1.000 chữ như tiếp thêm động lực cho những người trẻ sống đúng đam mê đồng thời truyền đi thông điệp đến các bậc phụ huynh: Hãy để con cái sống với những gì chúng cho là hạnh phúc.
Theo Thùy Trang (Soha/Trí Thức Trẻ)