Một giấc ngủ chất lượng rất cần thiết cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Mỗi một tư thế ngủ sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, tùy theo từng tình trạng sức khỏe đang gặp phải mà bạn sẽ có những lựa chọn tư thế ngủ phù hợp để tránh tăng nặng thêm tình trạng bệnh.
Chẳng hạn, nằm ngửa với gối kê dưới lưng có thể giúp giảm đau lưng nhưng lại khiến triệu chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng hơn. Tư thế ngủ nghiêng có thể tốt cho chứng ngưng thở khi ngủ nhưng lại khiến cơn đau do bệnh cột sống dễ bùng phát sau khi ngủ dậy vào hôm sau.
1. Ngủ nghiêng bên trái có hại tim không?
Tim nằm ở đâu? Vị trí của quả tim nằm ở trong lồng ngực, chếch về bên trái xương ức, trên cơ hoành và nằm giữa phổi. Tim đóng vai trò bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể. Các động mạch vành ở mặt ngoài quả tim giúp cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim.
Có rất ít nghiên cứu kiểm tra tác động của tư thế ngủ đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên có một số bằng chứng cho thấy, tư thế ngủ nghiêng bên trái có thể tăng áp lực lên tim, theo Healthline.
Theo Prevention, báo cáo của một số bệnh nhân bị suy tim, suy tim sung huyết hoặc mới phẫu thuật/đặt máy tạo nhịp tim cho biết họ cảm thấy không thoải mái, khó thở và khó chịu khi ngủ nghiêng về bên trái.
Một nghiên cứu cũ năm 1997 trên NCBI cho thấy, có một thay đổi đáng kể trên sóng điện tâm đồ (ECG) khi nằm nghiêng về bên trái khi ngủ. Tương tự, một nghiên cứu năm 2018 trên NCBI cũng cho thấy điều tương tự khi kiểm tra trên người khỏe mạnh. Kết quả chỉ ra rằng, có sự thay đổi về vị trí của quả tim cùng với sự gián đoạn dòng điện của nó khi ngủ nghiêng bên trái. Trong khi đó, nếu nằm nghiêng bên phải lại hầu như không xảy ra sự thay đổi đáng kể nào trên sóng điện tâm đồ, lúc này trái tim được cố định nhờ lớp mô ở giữa hai lá phổi hay còn được gọi là trung thất.
Điều này cho thấy, mặc dù nằm nghiêng bên trái có thể khiến hoạt động điện tim thay đổi nhưng không có bằng chứng cho thấy tư thế ngủ này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở người khỏe mạnh và không có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
Tư thế nằm nghiêng bên phải có hại cho tim không?
Vẫn có những tranh cãi liên quan tới việc ngủ nghiêng bên trái hay bên phải tốt hơn cho trái tim. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ngủ nghiêng bên phải có thể khiến tĩnh mạch chủ dẫn vào bên phải tim bị chèn ép do máu đổ về tim thông qua tâm nhĩ phải ở bên phải của cơ thể.
Một nghiên cứu năm 2018 trên NCBI phát hiện ra rằng, phần lớn những người tham gia mắc bệnh cơ tim giãn hay suy tim có thói quen thích ngủ nghiêng về bên phải hơn so với bên trái vì họ cho rằng tư thế này khiến họ thoải mái hơn. Điều này được giải thích là do tim được nghỉ ngơi nhờ sự trợ giúp của trung thất, từ đó giúp ngăn ngừa sự gián đoạn của dòng điện tim và người bệnh sẽ không bị cảm thấy khó thở hay khó chịu khi ngủ.
2. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất cho trái tim của bạn?
Cho tới hiện tại, chưa có tư thế ngủ nào được khẳng định là tốt nhất cho sức khỏe tim mạch nếu chưa mắc các bệnh tim tiềm ẩn. Lời khuyên tốt nhất cho mọi người khi đang tìm tư thế ngủ tốt cho trái tim đó là, hãy quan sát các triệu chứng của cơ thể khi nằm nghiêng bên trái và nằm nghiêng về bên phải.
Nếu xảy ra các hiện tượng như đánh trống ngực, nhận thức thấy nhịp tim nhanh hoặc bất thường hay cảm giác khó thở, cảm thấy khó chịu hơn khi nằm nghiêng bên trái thì bạn nên nằm nghiêng về bên phải. Nằm sấp tạo áp lực lên tim và phổi, giảm lưu thông máu và oxy, không phải là tư thế ngủ lý tưởng cho tim mạch.
Hay nói cách khác, tốt nhất hãy nằm ở tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái hơn. Và đừng quên thăm khám bác sĩ nếu các bất thường này tăng lên kèm theo các triệu chứng của bệnh tim như: Đau tức ngực hoặc nặng ngực, thường xuyên mệt mỏi, ho dai dẳng kéo dài, mạch đập không đều, thường xuyên cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu, hay cảm thấy bất an và lo lắng, khả năng gắng sức kém, cơn đau từ tim lan tới cánh tay, đau quai hàm, sưng phù chân, bị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày.
Theo John Hopkins thì chất lượng giấc ngủ đã được chứng minh là có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe trái tim. Thói quen ngủ tốt rất quan trọng đối với cả sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể.
Theo đó, một đánh giá năm 2018 trên Tạp chí Y học giấc ngủ lâm sàng cho thấy, một giấc ngủ kém chất lượng và thời gian ngủ ngắn đều có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cũng như các tình trạng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới các nguy cơ tim mạch khác nếu không được điều trị. Bao gồm: Tiểu đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, béo phì, đột quỵ và suy tim. Người thiếu ngủ cũng thường có nhịp tim duy trì ở mức cao và liên quan đến tích tụ canxi trong động mạch tim tạo ra các mảng bám làm tăng nguy cơ đau tim.
Để có giấc ngủ chất lượng và bảo vệ tim cũng như ngăn ngừa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bạn cần:
- Rèn luyện vệ sinh giấc ngủ tốt: Thời gian đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày; mặc trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi khi ngủ; tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng ít nhất 1 giờ trước khi ngủ;...
- Tránh uống rượu bia và thức uống chứa caffeine trước khi đi ngủ.
- Tránh tập thể dục với cường độ cao ngay trước giờ đi ngủ.
- Ngủ đủ giấc, người trưởng thành cần ngủ đủ khoảng 7 tiếng mỗi đêm.
- Nếu đang được điều trị các vấn đề về tim, bạn có thể gặp phải tình trạng ngủ kém hơn do tác dụng phụ của thuốc. Chẳng hạn như thuốc chẹn beta hay cảm giác đau do bệnh tim cũng khiến giấc ngủ kém chất lượng hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi đối với giấc ngủ mà bạn gặp phải để nhận được lời khuyên khắc phục.
3. Tư thế ngủ cho người bị suy tim
Như đã nói ở trên, không có tư thế ngủ nào là tốt nhất cho trái tim đối với người khỏe mạnh và chưa mắc các bệnh lý về tim. Tuy nhiên với những người đang mắc bệnh tim, chẳng hạn như suy tim, đầu tiên, hãy nói chuyện với bác sĩ về tư thế ngủ nào có thể khiến tim bị ảnh hưởng hoặc tệ đi.
Theo Healthline, ngủ nghiêng về bên phải có thể là lựa chọn nên ưu tiên cho người mắc suy tim. Hoặc nếu người bệnh không bị chứng ngưng thở khi ngủ thì ngủ ở tư thế nằm ngừa cũng có thể là một gợi ý nên xem xét khác. Nếu là người được cấy ghép thiết bị khử rung tim (ICD) thì bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên đối diện với bên được cấy máy.
Nói tóm lại, không có tư thế ngủ nào là tốt nhất để bảo vệ trái tim, trừ khi bạn đang mắc các vấn đề liên quan tới tim. Nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp về tư thế ngủ tốt với tình trạng sức khỏe của bạn.
Theo Châu Anh (Phụ Nữ Việt Nam)