Chất giọng hay, yêu sách... là những tố chất cần thiết của một người đọc sách thuê. Đây là việc làm thêm mới lạ và thu hút nhiều sinh viên tham gia.
Ngoài phát tờ rơi, dạy thêm, tiếp thị sản phẩm,... đọc sách thuê đang trở nên "hot" đối với một số sinh viên. Kim Anh (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) cho biết: "Mình đã làm thêm rất nhiều việc. Cuối cùng, mình chọn đọc sách thuê để gắn bó. Việc này không đòi hỏi quá nhiều thời gian, mình có thể linh hoạt sắp xếp. Với lại, mình có thể luyện giọng và khả năng diễn đạt thông qua việc đọc sách".
Bạn Thùy Dương trong một lần đọc sách văn học cho người cao tuổi. ẢNH: ĐỨC CHI |
Đọc sách thuê vừa giúp các sinh viên có thêm thu nhập vừa mang lại nhiều kiến thức bổ ích. Nhiều bạn trẻ "kết duyên" với việc này một cách bất ngờ nhưng lại gắn bó rất lâu.
"Hàng xóm của mình là một cô giáo về hưu. Cô mê sách lắm, đặc biệt là văn học. Hôm mình qua chơi, cô nhờ đọc cho cô nghe quyển Đất lửa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vừa đọc cô trò vừa trao đổi, cô chỉ cho mình cách đọc thật truyền cảm. Cứ thế, mỗi ngày rảnh mình đều qua đọc sách với cô. Tiền mình kiếm được đủ để ăn sáng thôi nhưng kiến thức nhận lại là vô cùng nhiều", Lan Hương (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) kể.
Trung bình mỗi giờ đọc sách thuê có giá từ 50.000 đến 60.000 đồng. Sách do khách hàng yêu cầu đọc. Nhiều bạn trẻ học cả ngoại ngữ để phục vụ cho công việc. Lê Vương (cựu sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết: "Mình tự tạo một trang facebook riêng để kết nối những bạn yêu sách và có nhu cầu đọc sách thuê. Hiện nay, mình đang cố gắng tìm khách hàng bằng cách cho họ thấy khả năng của mình trước thay vì cứ hô hào khẩu hiệu. Khó khăn với việc đọc sách thuê không ít, nhưng vì mê sách và có chút thu nhập nên mình đã theo đuổi".
Để trở thành một người đọc sách giỏi, các sinh viên phải chủ động đọc nhiều sách, luyện giọng thật tốt và nắm bắt tâm lý khách hàng. Nhiều bạn trẻ khi bắt đầu với công việc không mấy hứng thú. Nhưng càng làm càng thích việc này. Trong muôn nẻo làm thêm của sinh viên, đọc sách là việc khá an toàn và dễ tiếp cận.
Cầu nối hai thế hệ
Đọc sách cho người già đang trở thành xu hướng mới của nhiều bạn sinh viên. Đối với người lớn tuổi, việc truyền đạt ngôn từ trở nên khó khăn hơn. Thùy Dương (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: "Mình thường đến đọc sách cho các cô, chú tầm 60 tuổi trở lên. Những loại sách mình hay đọc là văn học, nhân học,... Các cô, chú lớn tuổi rồi nên mình cần đọc rõ ràng, không dài dòng. Có đoạn dài quá mình phải dừng lại phân tích, trao đổi miệng với cô, chú nữa".
Bên cạnh việc đọc theo đơn hàng, việc đọc sách thuê còn được các bạn lan tỏa đến những người già neo đơn, không biết chữ. "Có lần mình đến đọc sách cho cụ ông chưa học hết lớp 5. Ông rất mê sách chiến tranh. Từ nhỏ, ông đã nghỉ học để mưu sinh. Giờ già thì muốn hiểu biết thêm một chút. Thấy vậy, cứ sắp xếp thời gian rảnh, một tuần mình đến 2 lần đọc sách cho ông nghe. Mình không lấy tiền vì thương ông khó khăn. Mỗi lần tới đọc sách, ông đều pha trà rồi kể chuyện hồi xưa cho mình nghe", Thùy Dương chia sẻ thêm.
"Sách giống như cầu nối giữa thế hệ trẻ như mình với thế hệ đi trước. Họ góp phần làm nên những câu chuyện trên sách. Còn bây giờ, tụi mình tái hiện lại giúp họ. Chiếc cầu ấy được vun đắp bằng tình yêu, sự kiên nhẫn của những tâm hồn đồng điệu", Lê Vương vui vẻ nói.
Từ chối đọc truyện sex Bên cạnh những điều thú vị, việc gặp phải khách hàng khó tính, thính giác quá kém, yêu cầu cao về giọng đọc, hoặc thậm chí yêu cầu đọc truyện sex là những rủi ro thường gặp của việc đọc sách thuê. T.D chia sẻ: "Được bạn bè giới thiệu, mình đến đọc sách cho một chú trạc 40 tuổi. Ban đầu thỏa thuận là đọc sách về lịch sử nhưng khi mình đến thì chú đưa mình quyển 'truyện người lớn' rồi kêu mình đọc. Mình từ chối thì chú ấy nói những lời thô tục lắm. Thấy không ổn nên mình gọi bạn đến đón về. Từ đó về sau, không dám đến chỗ đó đọc sách nữa". |
Theo Đức Chi (Thanh Niên Online)