Nữ sinh cá tính và nữ sinh "cá ươn"

10/10/2015 09:09:30

Theo TS Huỳnh Văn Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến hiện tượng nữ sinh đánh nhau phổ biến, nhưng quan trọng nhất là xã hội đang để các em hiểu sai khái niệm “khẳng định mình”.

Theo TS Huỳnh Văn Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến hiện tượng nữ sinh đánh nhau phổ biến, nhưng quan trọng nhất là xã hội đang để các em hiểu sai khái niệm “khẳng định mình”.

 

Hình ảnh nữ sinh đánh nhau đầy rẫy trên mạng Internet.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Trưởng bộ môn Tâm lý học, khoa Tâm lý – Giáo dục, ĐHSP TP HCM - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN xung quanh vấn đề này.

Đánh nhau để giải toả tâm lý

- Chuyện nữ sinh các trường trung học đánh nhau gần như đang trở thành hiện tượng, gây nên mối lo ngại lớn trong xã hội. Theo ông, vì sao cách cư xử đó lại trở nên phổ biến, với cường độ càng ngày càng liên tục và mức độ vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn?

- Theo tôi, đầu tiên, chính các em nữ sinh nhận ra mình đang bị dồn nén, các em có nhiều điều muốn nói nhưng cũng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ.

Đánh nhau để khẳng định mình, đánh nhau để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, đánh nhau để gây scandal…

Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng xã hội đang tồn tại những vết “đen” ấy. Nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội?

Kế đến, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa?

Thời gian dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không. Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và cũng bạo lực như ai thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết?

Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ; chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt để như một yêu cầu tối quan trọng.
 

Nhiều nữ sinh không ngần ngại mặc đồng phục, áo dài trắng lao vào nhau ẩu đả, lột đồ như giữa chốn không người.

Khi các em bị bạo lực, thầy cô ở đâu? Đây là câu hỏi tôi đặt ra cho vấn đề này và làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Rõ ràng là chỉ cần thầy cô quan tâm, hỏi han, đón các em vào lòng, sẻ chia, các em sẽ nói ngay chứ sao các em phải giấu? Thái độ của các nhà quản lý và thầy cô đối với hành vi bạo lực và kỹ năng giám sát, can thiệp có ảnh hưởng rất lớn đến các ứng xử của họ đối với những hành vi này.

Tại trường học, các em học sinh cá biệt (và thường có khuynh hướng trở thành kẻ gây bạo lực) không cảm thấy mình được mong đợi vì các em luôn bị nhìn nhận là tác nhân làm giảm thành tích của lớp, của trường.

Lúc đó, nhà giáo dục có mấy người sẽ tìm hiểu kỹ những tác nhân thực sự của việc bạo lực, hay vội vàng dán nhãn “cá biệt” ngay cho học sinh?

Trước những hành vi đối xử ấy, tâm lý thường thấy là học sinh đó sẽ cảm thấy bức xúc, nảy sinh lòng căm tức thậm chí là thù hận và có thể dẫn tới những hành vi bạo lực để xứng đáng với những gì mà người khác áp đặt cho chúng. Lâu dần sẽ hình thành nên một con người cá biệt đúng nghĩa của từ này.

Những điều đó thì đúng với cả bạo lực học đường ở nam sinh chứ không phải chỉ nữ sinh.

Và đánh nhau để khẳng định mình

- Dường như sự chuyển biến của giới trẻ trong xã hội hiện đại dẫn tới những thay đổi đáng kể hành vi của họ. Nhiều người cho rằng, nữ sinh bây giờ bớt thuỳ mị hơn thế hệ các chị, các mẹ ngày xưa rất nhiều, ông nghĩ sao thưa Tiến sĩ?

- Tôi nghĩ, hàng ngày hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành vẫn diễn ra.

Chính xã hội hiện đại mở với nhiều quan niệm rất “cá tính” theo kiểu hiểu không tới, cái tôi vĩ cuồng quá mức của con người xúi các nữ sinh đánh nhau thản nhiên như không cần biết xung quanh là gì…

Cần thừa nhận sự chuyển biến của giới trẻ với lối sống nhanh, sống gấp, sống khẳng định mình nên nữ sinh cũng bị cuốn phăng những giá trị cơ bản, truyền thống của nữ giới. Kiểu ứng xử vô tư, thoải mái, không biên giới đẩy một số nữ sinh tuột dài trên con dốc số phận…

Hãy giúp các em hiểu đúng nghĩa của từ “cá tính”, nhất là với nữ giới, sự thể hiện cá tính, thể hiện bản thân có thể thông qua rất nhiều cách thức khác nhau, chứ không phải cứ cư xử mạnh mẽ, bạo lực, cậy sức khoẻ lao vào áp đảo người khác để khẳng định mình. Hiểu sai như thế, “cá tính” rất dễ thành “cá ươn”.

- Trong các câu chuyện nữ sinh đánh nhau mà dư luận biết tới thời gian gần đây, hầu hết đều xuất hiện tình tiết giống nhau: có bạn bè chứng kiến, đứng quay clip thản nhiên và post lên mạng như một trò giải trí. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

- Tôi nghĩ điều đó xuất phát từ sự vô cảm. Người đứng xem vô cảm, không màng quan tâm xót thương khi nhìn thấy người khác bị đánh đập, đau đớn. Các em này cho đó không phải việc của mình.

Người đánh nhau vô cảm ở sự thản nhiên, sự lạnh lùng tàn nhẫn trong hành vi. Và nhất là vô cảm trong việc không màng tới việc những người xung quanh sẽ nhìn mình với ánh mắt thế nào.

Xã hội biến đổi nhanh chóng dường như đang tạo ra không ít những người chỉ biết đến các nhu cầu của chính bản thân họ, sự an toàn của họ và nhu cầu tâm sinh lý của chính họ.

- Theo ông, làm thế nào để có thể hạn chế những sự việc đau lòng tương tự xảy ra?

- Kỹ năng. Tôi nghĩ hai chữ “kỹ năng” cần phải được chú ý nhiều hơn.

Chúng ta, nhà trường và cả gia đình đang quá chú trọng đến việc đào tạo kiến thức mà bỏ bê việc trang bị kỹ năng sống cho các em, nhất là giới nữ.

Việc huấn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử - giao tiếp cho nữ sinh nhằm trang bị cho các em một số kỹ năng giao tiếp - ứng xử chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực.

Hãy dạy các em nữ sinh cách sống hiện đại một cách chuẩn mực, chứ đừng để các em tự mò mẫm và biến mình thành một sản phẩm lệch lạc, đầy lỗi của thời hội nhập.

Nói chính xác, là người lớn phải có trách nhiệm tác động về mặt nhận thức của giới trẻ, định hướng những giá trị của con người một cách đích thực.

Trong câu chuyện này, vai trò của gia đình là đầu tiên, nhà trường là tiếp theo; vừa giáo dục, vừa đồng hành, có rất nhiều cách thức khác nhau để chúng ta thay đổi tình hình, và đều rất cấp bách.

>> Đi thực tập, nhóm nữ sinh bị kẻ xấu cạy cửa phòng trọ sàm sỡ
>> 200 nữ sinh lao vào hỗn chiến để tranh giành một chàng trai
>> Xôn xao nữ sinh hút thuốc ngày khai giảng năm học mới
>> Nữ sinh đánh bạn, hàng chục phụ huynh học sinh bất lực

Theo Thanh Uyên (Tấm Gương)

Nổi bật