Thời gian qua, mạng xã hội nổ ra tranh cãi xoay quanh trái chiều về việc xăm hình. Nhiều bạn trẻ chọn xăm để lưu giữ lại những khoảnh khắc hoặc kỉ niệm. Và tất nhiên, khi họ đã đủ dũng cảm làm “đẹp” cơ thể mình, chủ nhân của những hình xăm đó cũng chẳng ngại những đánh giá của người đối diện hay của những người xa lạ.
Như nhóm thanh niên xin đi hỗ trợ tình nguyện dưới đây, họ đã mang sức trẻ, sự nhiệt huyết ra để chứng minh cho chúng ta thấy một góc nhìn khác về những người đam mê nghệ thuật xăm.
Xem qua những bức ảnh, 4 chàng trai xăm kín người và mặt, khoác trên mình lớp áo bảo hộ, xông pha giúp đỡ bà con trong vùng dịch. Họ vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Cách nói chuyện, hành động lễ phép, nhẹ nhàng của nhóm thanh niên được người dân yêu mến.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nghiêm Hà Võ Trường Vinh (SN 1982) sống tại Phường 3, Q.Bình Thạnh cho biết, a cùng 3 đồng đội khác đi hỗ trợ bà con đã gần 1 tuần nay.
Khối lượng công việc tùy theo đơn hàng trong khu vực dân cư đặt hàng ngày. Có những hôm, số lượng đặt mua nhiều nhưng hàng hoá thì không cung ứng đủ, anh Vinh cùng đồng đội lại đợi dưới nắng chờ rồi mới đi phân phát.
Thấy mấy thanh niên xăm trổ đi giao hàng, bà con trong khu dân cư đổ dồn sự chú ý. Người ta tò mò gương mặt được xăm kín những hình thù dưới lớp khẩu trang và bộ quần áo bảo hộ.
"Nói thì họ không dám nói trước mặt, chỉ tỏ thái độ kì thị thôi. Nhưng gia đình và những ai biết mình thì vẫn bình thường. Họ còn hỏi, xăm chi mà nhiều vậy rồi có đau không, chứ không nói gì hết. Vinh vẫn là Vinh và không thể là 1 ai khác".
Dưới lớp bảo hộ, gương mặt xăm kín của anh Vinh thấm đẫm mồ hôi. Trước khi xung phong hỗ trợ chống dịch, anh Vinh làm cho một cửa hàng xăm nghệ thuật. Trót yêu và đam mê với bộ môn "tattoo", anh Vinh tâm sự:
"Xăm không còn là công việc nuôi sống nữa mà xăm còn là cuộc sống, là môi trường để phát triển bản thân. Dĩ nhiên xăm càng nhiều thì nhân phẩm mình càng bị xã hội và dư luận lên án.
Nhưng như vậy mình càng phải tử tế hơn để họ không đánh giá mình được. Hình xăm không thể đem so sánh với đạo đức, tư cách hay chuyên môn. Mỗi người mỗi khác và không thể đánh đồng".
Những ngày đi hỗ trợ mệt nhoài, anh Vinh cùng đồng đội lại về chợp mắt nghỉ trưa vài ba phút rồi lại tất tả cho đến tối mịt. Nhưng anh vui khi thấy nụ cười của bà con sau lớp khẩu trang.
"Mình thấy vui vì bản thân và nhóm làm được điều gì đó không vô nghĩa khi dịch bệnh. Vui vì những nụ cười của người dân khi nhận được lương thực. Vui vì giải quyết được rất nhiều khó khăn cho những người không thể".
Theo Thủy Tiên (Pháp Luật & Bạn Đọc)