Người phụ nữ 35 tuổi có thận suy yếu như người 60 vì mắc 1 thói quen xấu

13/08/2024 09:46:50

Thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường khi đi tiểu, nữ nhân viên văn phòng ở Đài Loan (Trung Quốc) đã đi viện khám. Kết quả cho thấy chức năng thận của cô bị suy yếu như người 60 tuổi.

35 tuổi nhưng thận suy yếu như người 60

Mới đây, trong chương trình “Cuộc sống khỏe mạnh”, bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan, Trung Quốc đã chia sẻ về trường hợp của một nữ nhân viên văn phòng 35 tuổi bị suy giảm chức năng thận.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết bệnh nhân nữ đến khám do đi tiểu nhiều lần trong ngày. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện độ lọc cầu thận thận của người phụ nữ ở mức 65ml/phút (giá trị bình thường trong độ tuổi 30-39 là 107ml/phút).

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường nói: “Độ lọc cầu thận của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân bị suy thận nhẹ, chức năng thận của người bệnh tương đương với người 60 tuổi”.

Ngoài chức năng thận suy giảm, bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân mắc bàng quang tăng hoạt do nhiễm trùng đường tiết niệu. Các vấn đề về thận và bàng quang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiểu tiện nhiều lần trong ngày.

Người phụ nữ 35 tuổi có thận suy yếu như người 60 vì mắc 1 thói quen xấu
Nữ bệnh nhân tới viện khám và được chẩn đoán chức năng thận suy giảm. (Ảnh minh họa)

Thói quen xấu khiến chức năng thận suy giảm

Bệnh nhân chia sẻ: “Do công việc bận rộn nên tôi thường hạn chế uống nước để không phải đi vệ sinh quá nhiều lần. Trước đây, tôi cũng từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu vì thói quen này. Khi mắc bệnh, tôi đã đi khám và được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh khiến tôi đi tiểu nhiều lần trong ngày nên tôi lại càng sợ uống nước”.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết, thói quen lười uống nước không chỉ khiến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu thêm nghiêm trọng, dẫn đến bệnh bàng quang tăng hoạt mà còn gây ảnh hưởng tới chức năng thận.

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn tới các biến chứng như nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính, viêm bể thận, suy giảm chức năng thận.

Ngoài ra, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cũng nói thêm rằng hầu hết các cơ quan của cơ thể con người đều cần nước để duy trì hoạt động, bao gồm cả gan, thận, mạch máu và da.

Việc uống quá ít nước có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng nước tiểu, gây cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài, từ đó tăng gánh nặng cho thận và có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.

Chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành có sức khỏe bình thường nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả chức năng thận.

Người phụ nữ 35 tuổi có thận suy yếu như người 60 vì mắc 1 thói quen xấu - 1
Lười uống nước gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, từ đó gián tiếp gây ảnh hưởng tới chức năng thận. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết, tình trạng suy giảm chức năng thận của bệnh nhân chưa quá nghiêm trọng nên chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống và điều trị khỏi tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang tăng hoạt bằng thuốc để hạn chế gặp biến chứng ở thận.

Về chế độ ăn uống, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường tư vấn bệnh nhân tăng cường ăn đa dạng các loại rau, củ, quả giàu chất xơ để bổ sung vitamin và khoáng chất, từ đó giúp tăng cường chức năng thận. Ngoài ra, chuyên gia khuyên người bệnh hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, ăn mặn; tránh sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều đường để không làm tăng gánh nặng cho thận.

Sau 3 tháng điều trị, mức lọc cầu thận của bệnh nhân đã tăng từ 65 lên 80, tình trạng tiểu nhiều lần của người bệnh cũng đã được cải thiện.

Theo Mộc Miên (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật