Nghị lực sống phi thường của Stephen Hawking đáng để người trẻ học hỏi

15/03/2018 09:21:44

Stephen Hawking được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ và chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, đó không phải dấu chấm hết cho cuộc đời phi thường của thiên tài này.

"Tôi không có thời gian để thực hiện những điều mình có thể làm, bởi vậy việc lo lắng về những thứ tôi không thể làm chẳng hề quan trọng".

Mở đầu bài viết Người đàn ông đằng sau nhà khoa học (The Man Behind The Scientist), tác giả Gregg J. Donaldson nhận định khi gặp giáo sư Stephen Hawking, người đối diện lập tức cảm thấy dị thường, sau đó đồng cảm vì chứng kiến ảnh hưởng từ căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) lên cơ thể nhỏ bé của ông.

Người ta không ngừng đặt câu hỏi: "Stephen đã chống chọi với bệnh tật như thế nào?". Câu trả lời là phần lớn cuộc đời ông gắn với xe lăn, máy tính, thiết bị hỗ trợ giọng nói nhân tạo, nhưng sẽ chẳng là gì khi không có nghị lực sống phi thường, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Hành trình kỳ diệu của ông đã, đang và sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người trẻ. 

Stephen Hawking: Từ cậu bé học dốt gần nhất lớp đến 'ông hoàng Vật lý' Dù sở hữu IQ 160, Stephen Hawking là một trong những học sinh dốt nhất lớp trước khi bước vào đại học. Ông đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo để làm nên sự nghiệp khoa học vĩ đại.

Được chẩn đoán 'chỉ sống thêm 2 năm' ở tuổi 21

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại thành phố Oxford, Anh. Năm 17 tuổi, Hawking nối gót cha mẹ trở thành sinh viên ĐH Oxford. Sau 3 năm học tập và nghiên cứu, ông lấy bằng hạng nhất ngành Vật lý tại ngôi trường này.

Năm 1963, khi mới 21 tuổi và theo học cao học tại ĐH Cambridge, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên - hay Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh khiến cơ thể bị liệt - và chỉ sống thêm không quá 3 năm.

Nguyên nhân gây bệnh ALS đến nay vẫn chưa được tìm ra, nhưng các nhà khoa học cho rằng có hai loại ALS là di truyền hoặc ngẫu nhiên - dạng Hawking mắc phải. 

Nghị lực sống phi thường của Stephen Hawking đáng để người trẻ học hỏi
Stephen Hawking kết hôn với người vợ đầu tiên - bà Jane Wilde - vào năm 1965. Ảnh: Thevintagenews.

Tiến trình phát triển của ALS rất nhanh, khiến người bệnh chỉ có thể sống 3-5 năm. Đầu tiên bệnh ảnh hưởng đến chân, tay, rồi cổ họng. Chỉ trong vòng một năm phát bệnh, Hawking đã phải chống gậy.

Trong một sự kiện diễn ra tại Anh vào năm 1999, khi đứng trước 150 sinh viên khuyết tật, Stephen Hawking không trò chuyện dưới tư cách nhà khoa học, mà đơn giản là người đàn ông, người cha đang chống chọi ALS. Thái độ của ông dửng dưng và hài hước khi nói về căn bệnh mình đang mang trong người.

"Khi còn nhỏ, tôi không phải tay chơi thể thao cừ và chỉ là học sinh bình thường. Nhưng đến năm thứ ba ở ĐH Oxford, tôi nhận ra mình dường như vụng về hơn. Đôi lần tôi ngã vì nguyên do không rõ ràng", ông kể lại.

Hawking đùa rằng lần đầu tiên gặp bác sĩ, ông ấy nói: "Hãy bỏ bia đi". Nhưng sau đó, mọi chuyện chẳng còn là trò đùa khi sức khỏe của ông suy giảm rõ rệt.

Năm đầu học tại ĐH Cambridge, Hawking bị ngã cầu thang và không thể chơi đua thuyền. Cha ông (là bác sĩ y khoa) nhận thấy sự bất ổn ở con trai và đưa Hawking đi khám bệnh ngay sau sinh nhật lần thứ 21.

"Tôi đã ở bệnh viện hai tuần và trải qua hàng loạt xét nghiệm. Họ lấy mẫu cơ từ cánh tay của tôi, cấy điện cực vào cơ thể rồi tiêm thuốc vào cột sống của tôi... Sau tất cả, họ không thể làm gì hơn việc bổ sung vitamin cho tôi. Tôi nhận thấy bác sĩ không mong đợi chúng có tác dụng", Hawking bình thản nói.

Sau khi bác sĩ chẩn đoán Hawking bị bệnh thần kinh vận động và chỉ sống được thêm khoảng 2 năm, ông rơi vào trầm uất. Dù mọi người khuyên tiếp tục học hành, ông cảm thấy việc này chẳng còn ý nghĩa. 

Nghị lực sống phi thường của Stephen Hawking đáng để người trẻ học hỏi - 1
Thiên tài vật lý Stephen Hawking không đầu hàng bệnh tật để sống với đam mê nghiên cứu khoa học cho đến cuối đời. Ảnh: AP.'

Tôi cố gắng sống cuộc đời bình thường nhất có thể'

Cùng thời điểm suy sụp vì biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo, Hawking lại được an ủi nhờ chuyện tình cảm với Jane Wilde - bạn của em gái ông, người ông gặp ít lâu trước khi được chẩn đoán bệnh. Hai người đính hôn vào tháng 10/1964.

Sau này, Hawking nói rằng việc đính hôn đã cho ông "lý do để sống". Ông và Jane kết hôn ngày 14/7/1965.

Kể từ đó, mặc căn bệnh ngày càng xấu đi khiến ông khó có thể tự đi lại hay nói không ra lời, ông vẫn quay trở lại với điều ông tin là định mệnh của mình: Khoa học.

Diễn tiến bệnh sau đó bất ngờ chậm lại. Stephen - Jane Hawking có 3 con với nhau. Hawking vượt qua tất cả bằng cách di chuyển bằng xe lăn, giao tiếp thông qua dụng cụ hỗ trợ và tiếp tục cống hiến cho khoa học.

Trong một quyển hồi ký, Hawking cho biết ông thường được hỏi: "Bị ALS thì sao?". Câu trả lời là: "Không nhiều lắm. Tôi cố gắng sống cuộc đời bình thường nhất có thể, không nghĩ về tình trạng của mình, không hối hận những điều mình không thể làm, mà cũng không nhiều những điều như thế lắm".

Nghị lực sống phi thường của Stephen Hawking đáng để người trẻ học hỏi - 2
Stephen Hawking trải nghiệm trạng thái không trọng lực trong một thiết bị của NASA năm 2007. Ảnh: AP.

Mục tiêu duy nhất ông theo đuổi cả đời là hiểu toàn bộ về vũ trụ, vì sao vũ trụ lại như vậy và vì sao nó tồn tại. Kể cả bệnh tật cũng không thể quật ngã, khiến Stephen ngừng nghiên cứu.

"Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình tận hưởng cuộc sống còn hơn trước. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển trong nghiên cứu của mình", Hawking nói.

Bằng bộ óc thiên tài với IQ 160 và nỗ lực làm việc chăm chỉ, những cống hiến to lớn cho khoa học của Hawking được ghi nhận, giúp ông trở thành giáo sư vật lý năm 35 tuổi. Đến năm 1976, ông nhận Huy chương Albert Einstein và bằng tiến sĩ danh dự từ ĐH Oxford.

Năm 1979, ông được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học Lucas, danh tiếng hàng đầu tại Đại học Cambridge, cũng như trên thế giới (Isaac Newton và Paul Dirac từng được bổ nhiệm chức danh này).

Năm 1988, Stephen Hawking trở thành hiện tượng với cuốn sách Lược sử thời gian (A Brief History of Time). Đến nay, nó được bán ra hơn 10 triệu bản.

Nghị lực sống phi thường của Stephen Hawking đáng để người trẻ học hỏi - 3
Ông Hawking được Tổng thống Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, giải thưởng dân sự cao quý nhất của nước Mỹ, vào năm 2009. Ảnh: Rex.

Phá bỏ lời chẩn đoán "chỉ sống được thêm 2 năm" năm 21 tuổi, nhưng không ít lần bệnh tình của Hawking trở nên nguy kịch: Một lần vào khoảng cuối thập niên 70, sau đó là năm 2009.

Tuy nhiên, nhà vật lý thiên tài đều vượt qua. Đây dường như là kỳ tích y học vì phần lớn người mắc chứng xơ cứng teo cơ rất khó sống quá 20 năm.

Không ai có thể lý giải kỳ tích của Hawking là nhờ may mắn hay gì khác. Bởi cả thiên tài với IQ 160 cũng nói về sự sống kỳ diệu của mình: "Có lẽ nhờ sự hấp thụ các vitamin B và tình yêu thương từ gia đình".

"Không cần biết bạn sống được bao lâu. Hãy dồn hết tâm trí vào những điều quan trọng trong cuộc sống", ông nói.

Và không giữ sự may mắn đó cho riêng mình, Stephen Hawing lúc sinh thời từng tham gia nhiều sự kiện gây quỹ hỗ trợ người khuyết tật. Năm 2012, tại thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympics) ở London (Anh), ông được mời đến phát biểu trong đêm khai mạc để truyền cảm hứng đến các vận động viên.

"Ông ấy từng nói: 'Vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương'. Chúng tôi sẽ nhớ ông mãi", các con của Hawking cho hay.

Tình yêu của Stephen Hawking và vợ tái hiện qua phim Ngoài những cống hiến khoa học, tình yêu với người vợ đầu Jane Hawking chính là điểm sáng thứ hai trong cuộc đời nhà vật lý thiên tài.