Ngày 14/3/2018, cả thế giới cùng sẻ chia nỗi đau, sự mất mát to lớn khi giáo sư thiên tài - nhà khoa học lỗi lạc Stephen Hawking qua đời. Trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76, ông đã, đang và vẫn sẽ được người đời sau nhớ đến và tôn vinh.
Nhắc đến Stephen Hawking, người ta không chỉ nghĩ đến những cống hiến giá trị của ông cho lĩnh vực khoa học hay bản lĩnh vượt lên số phận mà còn cả câu chuyện tình yêu của ông và người vợ đầu. Đó là mối tình đẹp như mơ, kỳ diệu hơn cả điều kỳ diệu, vượt lên trên cả nỗi sợ về cái chết hay sự chia lìa.
Quay ngược dòng thời gian, ngay từ khi còn nhỏ, Stephen Hawking đã bộc lộ sự ưu tú của mình như nhiều nhà khoa học thiên tài khác. Nhưng đáng tiếc ở tuổi 22, ông bị "kết án tử" khi mắc phải căn bệnh nghiệt ngã và được chẩn đoán là không còn nhiều cơ hội sống sau 25 tuổi. Đó là ASL - một căn bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên. Biết mình không còn nhiều thời gian, tất cả những hứng thú của Hawking về lĩnh vực vũ trụ học hay những kế hoạch tương lai đều dần trở nên mờ nhạt trong đầu ông. Khoảng thời gian đó, ông luôn tự giam mình trong phòng kín.
Số phận đem đến tài năng cho ông rồi lại trêu ngươi khi cố nhấn chìm ông vào bi kịch. Nhưng cũng chính số phận lại gửi đến nhà khoa học trẻ một món quà tuyệt vời. Cô nữ sinh cùng trường, yêu văn chương và sùng đạo Jane Wilde đã đến bên đời Hawking trước thời điểm ông phát hiện căn bệnh hiểm nghèo. Lúc này, biết rõ bệnh tình của Stephen nhưng do cảm phục tài năng của cậu thanh niên tài giỏi, Jane Wilde nhất quyết ở lại bên cạnh ông, hứa sẽ chăm sóc cho ông, bất chấp Stephen cố gắng lẩn trốn.
Mãi đến sau này, người ta vẫn thường nhắc đến những điều Jane từng nói với cha của Stephen: "Cháu biết, nhìn vào cháu bác sẽ nghĩ cháu trông không giống một cô gái mạnh mẽ. Nhưng cháu yêu anh ấy, và anh ấy cũng vậy. Chúng cháu sẽ cùng nhau chiến đấu với căn bệnh này!".
Vậy là, từ một người sắp chết đang trong trạng thái chán nản, gần như chìm sâu vào trầm cảm, nhà vật lý trẻ tuổi tìm được nguồn động lực to lớn từ tình yêu với Jane Wilde và ông dần "hồi sinh". "Jane Wilde và tình yêu không điều kiện của cô ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Nó đã cho tôi một nguồn sức mạnh để sống", Stephen Hawking từng nói.
Khi một người đàn ông muốn khiến người phụ nữ của mình hạnh phúc, anh ta có thể tạo nên những điều phi thường. Chẳng cần biết còn sống được bao lâu, lúc này, Hawking chỉ có một mục tiêu duy nhất đó là cưới Jane Wilde làm vợ. Quy tắc xã hội yêu cầu đàn ông muốn cưới vợ buộc phải có công việc ổn định. Vậy là ở tuổi 22, Hawking đặt cho mình nhiều mục tiêu nhỏ hơn, cốt để hướng về mục đích lớn lao nhất là được về chung nhà với Jane.
Cụ thể, để được kết hôn, Hawking biết mình cần một công việc. Để có việc, Hawking cần học vị tiến sĩ. Để có được học vị tiến sĩ, Hawking phải trở lại làm việc và làm việc cực chăm chỉ, nghiêm túc. Kết quả, năm 1965, Hawking công bố luận án Tiến sĩ của mình. Tác phẩm này đã tạo ra sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới về vũ trụ học và tạo ra một sự nghiệp vững chắc cho Hawking. Ngay sau khi nhận bằng Tiến sĩ, Hawking dễ dàng kiếm được một công việc tốt. Và không lâu sau, Jane Wilde - cô gái giàu tình yêu thương và đặc biệt can đảm - vỡ òa trong hạnh phúc khi đón nhận lời cầu hôn của Hawking.
25 năm làm vợ chồng, Stephen Hawking và vợ đã cùng nhau chinh phục rất nhiều cột mốc đáng nhớ. Ba đứa trẻ - kết tinh tình yêu của họ - lần lượt chào đời. Hawing cũng gặt hái không ít thành tựu trong lĩnh vực khoa học dù ông lúc này đã mất khả năng đi lại. Bản thân Jane Wilde cũng chứng minh nghị lực phi thường khi một vai gánh cả gia đình, tự tay chăm sóc 3 người con cùng người chồng bị bại liệt.
Vậy, điều gì giúp Hawking từ một người tưởng chừng sẽ chết ở tuổi 25 khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực khoa học vũ trụ với nhiều công trình nghiên cứu? Điều gì khiến người phụ nữ có vẻ ngoài mảnh mai, yếu đuối như Jane gánh vác trọng trách nặng nề như vậy suốt 25 năm? Đáp án nào mới thỏa nếu đó không phải là tình yêu, là nghĩa vợ chồng?
Nhưng rồi cũng như nhiều cặp đôi khác, "con thuyền" hôn nhân của Jane và Hawking cũng đến lúc chòng chành. Jane - người phụ nữ với bản năng muốn được che chở, nâng đỡ như bao người vợ khác - đã có những lúc yếu lòng và nảy sinh tình cảm với nhạc công Jonathan Hellyer Jones. Stephen Hawking - người chồng bệnh tật - thấu hiểu những gánh nặng trên đôi vai bé nhỏ của vợ và ông chấp nhận thực tế đó. Nhưng rồi một lần nữa, Jane lại khiến người ta vỡ òa xúc động vì tình yêu thương và tình cảm cao thượng dành cho chồng. Bà quyết định không phá vỡ gia đình, không rời xa Hawking và tiếp tục giữ mối quan hệ giữa trong sáng với ông Hellyer Jones.
Jane khống chế được sự dao động trong trái tim mình, nhưng lại đến lượt Hawking trở nên có tình cảm khác lạ một trong số các y tá của ông: Elaine Mason. Một ngày, Hawking nói với Jane rằng ông đang rời bỏ bà để tới với Elaine. Mối quan hệ vợ chồng của ông bà chấm dứt khi cả hai chính thức ly hôn vào mùa xuân năm 1995. Tháng 9 năm đó, Hawking kết hôn với Elaine. Cuộc hôn nhân thứ hai này của ông không mấy hạnh phúc. Năm 2006, Hawking và Elaine lặng lẽ ly dị.
Không còn là vợ chồng nhưng tình nghĩa vẫn vẹn nguyên
Sau khi chia tay người vợ thứ hai, Hawking nối lại quan hệ gần gũi hơn với Jane. Lúc này bà cũng đã tái hôn với Jonathan Hellyer Jones. Thế nhưng mối quan hệ với chồng cũ bà vẫn vô cùng coi trọng, vẫn chăm sóc, lo lắng cho ông Hawking, đồng hành cùng ông trong nhiều sự kiện.
Có thể nói, cuộc đời của Stephen Hawking hơn một nửa gắn với bệnh tật, thuốc men nhưng ông cũng có được những món quà trời ban mà ai nấy đều mơ ước. Đó là tài năng xuất chúng và quan trọng nhất là sự xuất hiện của bà Jane Wilde. Bà là điều kỳ diệu trong cuộc đời ông. Từ khi có bà, chẩn đoán "chỉ sống được thêm hai năm rưỡi" mà bác sĩ kết luận về ông năm nào đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Nếu không có Jane Wilde, ý chí và đam mê khoa học của ông có lẽ cũng chết dần chết mòn theo căn bệnh hiểm nghèo kia.
Jane Wilde không phải người phụ nữ duy nhất của Stephen Hawking, nhưng chắc chắn bà là người phụ nữ vĩ đại nhất cuộc đời ông sau người mẹ sinh ra ông. Ở vị trí của Jane Wilde khi về già, sẽ có nhiều người hả hê, vui sướng khi thấy chồng cũ của mình và người vợ sau kết thúc không có hậu. Bởi lẽ sau những hy sinh của bà, ông vẫn quyết định rời bỏ bà để đến với người phụ nữ khác. Ấy vậy mà đến cuối đời Jane Wilde vẫn chào đón Hawking như người thân của mình. Mối tình này ngay từ đầu đã xác định vượt qua cả nỗi sợ về sự mất mát, chia ly của cái chết hay bệnh tật. Đến cuối cùng, nó còn truyền cảm hứng khi chiến thắng được cả sự ích kỷ của bản thân.
Người làm khoa học hiếm khi tin vào những thứ mơ hồ, trừu tượng, không thể lý giải như "tình yêu", "số phận" hay "điều kỳ diệu". Nhưng với Stephen Hawking, có lẽ ông không thể không tin. Bởi cuộc đời đã cho ông gặp một Jane Wilde. Tình yêu, tình nghĩa và thời gian bà dành cho ông đã giúp chứng minh "mệnh đề" này rồi.
Theo Đồng Vi (Helino)