Nguyễn Văn An (SN 1992, Bắc Giang) là người điều hành của dự án Sách và Hành động với 260 câu lạc bộ sách và hơn 5 nghìn thành viên. Họ cũng tạo ra tủ sách cộng đồng với hơn 40 nghìn cuốn sách đọc, mượn miễn phí.
Để có kinh phí phát triển dự án này, Nguyễn Văn An đã phải làm đủ nghề để huy động vốn như bán sách, làm thuê, tổ chức các giải chạy… Đây cũng là cơ duyên giúp chàng trai trở thành một doanh nhân trẻ.
“Thời sinh viên, tôi từ Bắc Giang xuống Hà Nội ở trọ và thường nhận được những lọ muối lạc vừng mẹ gửi cho đứa con xa nhà. Những lọ muối lạc vừng gắn liền với tuổi thơ nghèo khó cùng với khoai độn, rau muống xào, tóp mỡ...
Mỗi lần ăn tôi thấy rất ngon, thường gợi nhớ về tuổi thơ, bữa cơm nhà. Chúng tôi nảy ra ý tưởng: Sao không bán để gây quỹ phát triển các câu lạc bộ sách?”, anh An chia sẻ.
Được một số ngôi chùa tạo điều kiện, họ mang những hộp muối lạc vừng này bán tại các cửa chùa vào ngày Rằm và mùng 1 cho những người ăn chay.
Sản phẩm được nhiều người đón nhận, năm 2017, Nguyễn Văn An quyết định kinh doanh món ăn một cách chuyên nghiệp hơn. Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, An dễ dàng có được một công việc ổn định. Vì vậy khi anh bỏ việc, vay tiền để kinh doanh muối lạc vừng, bố mẹ anh rất lo lắng.
“Muối lạc vừng là sản phẩm phổ biến, dễ làm. Ở mỗi gia đình, người ta đều có thể tự tay làm ăn. Muốn chinh phục được khách hàng, phải có sự khác biệt và làm điều khác biệt từ thứ đơn giản quả thật không hề dễ dàng”, An chia sẻ.
An cùng 2 người bạn nữa vay mượn bạn bè, ngân hàng… số tiền 100 triệu đồng. Họ bắt tay vào khởi nghiệp với “món ăn của người nghèo” bằng cách huy động các cô, các mẹ ở quê làm lạc vừng để bán với quy mô lớn.
Các chàng trai cũng tham gia vào việc tạo sản phẩm. Sau các buổi họp CLB Sách và Hành động vào 9h đêm, họ bắt tay sao lạc vừng đến 12h đêm. 4h sáng, họ lại tiếp tục công việc cùng các bà, mẹ.
“Ban đầu sản phẩm được đánh giá tốt nhưng sau thời gian ngắn, các mẻ muối lạc không còn đều như trước, lạc dễ ra dầu ẩm và nồng mùi. Chúng tôi đành ngậm ngùi dừng bán để nghiên cứu lại sản phẩm.
Suốt 1 năm sau đó, chúng tôi trực tiếp tìm nguyên nhân, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, rồi bóc tách từng bước trong khâu sản xuất, rồi đóng gói, vận chuyển...”, An nói.
Anh chia sẻ thêm: “Mẹ tôi thì cứ buồn hoài vì nghĩ mình làm lạc không ngon ảnh hướng đến việc kinh doanh của con. Nhiều mẻ muối lạc mẹ gửi lên Hà Nội, mấy anh em chia nhau ăn dần mà vẫn nói với mẹ là bán được. Cuối cùng, tôi tránh câu chuyện muối lạc mỗi lần nói chuyện với mẹ với lý do sản phẩm bán theo mùa”.
Theo anh An, việc đưa một sản phẩm thủ công, truyền thống ra thương mại là một bài toán khó. Bạn có 10 lọ muối lạc ngon, nhưng việc để có 1 nghìn thậm chí 1 triệu lọ muối lạc ngon là một câu chuyện hoàn toàn khác. Làm sao vẫn giữ được hương vị truyền thống mà đáp ứng được sản lượng lớn ở quy mô công nghiệp chưa bao giờ là câu hỏi dễ dàng.
Làm ra một mẻ rất vất vả, tốn nhiều công sức nhưng những nếu không đạt đều phải hủy. “Có mẻ lên đến 100 kg vẫn phải hủy hết, hủy xong chỉ biết động viện nhau bớt buồn”, anh kể. Họ quyết tâm tìm ra nguyên nhân, cuối cùng, đáp án nằm ở độ ẩm không đều của từng mẻ lạc.
Năm 2018, họ đem sản phẩm ra thị trường một lần nữa sau khi khắc phục các nhược điểm. Lần này, An tự tin mình đã hoàn toàn chinh phục được khách hàng.
“Mỗi khâu có những bí quyết riêng để đảm bảo độ ngon. Ví dụ rang, sấy thì phải đều và không để sản phẩm tiết ra dầu, gây mùi hôi. Tỉ mỉ nhất là khâu loại bỏ hạt hỏng, bởi ăn phải một hạt như vậy sẽ làm hỏng toàn bộ vị của sản phẩm”, Anh chia sẻ.
Thay vì các lọ nhựa hoặc hút túi chân không, muối lạc của An được cho vào các lọ thủy tinh và nhãn sản xuất bằng giấy. “Đầu tư vào vật dụng đựng chúng tôi muốn nâng tầm món ăn này và cũng đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường.
Chúng tôi cũng có chính sách đổi lọ với giá 5000 đồng/lọ. Nếu khách tích được 10 lọ, nhân viên sẽ đến tận nơi thu gom và trả tiền cho khách”, anh giải thích thêm.
Sản lượng trung bình 1 tấn/tháng. Doanh thu của họ khoảng 300 triệu/tháng, và 3-4 tỷ/năm. Ngoài muối lạc vừng, họ phát triển thêm ruốc nấm, kẹo lạc, miến dong… Muối lạc vừng của họ đã xuất hiện trên hơn 60 cửa hàng thực phẩm sạch khắp Hà Nội và có dự định xuất ngoại vào năm sau.
“Hạnh phúc nhất là chúng tôi có nguồn lực để phát triển dự án Sách và Hành động. Ban đầu, tôi bắt tay vào kinh doanh để có chi phí thực hiện các hoạt động vì cộng đồng nhưng trong tương lai tôi sẽ phải định hướng lại.
Dự án Sách và Hành động phải có thể tự sống được bằng nguồn lực của chính nó. Chúng tôi quản lý trực tiếp 140 câu lạc bộ. Năm tới, dự kiến chúng tôi phát triển thêm 80-100 câu lạc bộ nữa để lan tỏa văn hóa đọc”.
Nguyễn Văn An là một trong năm đồng sáng lập của dự án Sách và Hành động vào 2013, đến năm 2018, anh trở thành người điều hành của dự án này. Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc lan tỏa mô hình đọc sách, anh được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới tuổi 30 nổi bật nhất năm 2020.
Theo Ngọc Trang (Vietnamnet.vn)