Chi tiêu không hợp lý, thích mua trước, trả sau
Joey Lim, 28 tuổi, sống tại Singapore chia sẻ rằng 99% thời gian ra khỏi nhà cô ấy đều đi Grab. Chi phí hết khoảng 523-604 USD/tháng. Một hoặc hai tuần, cô sẽ đi ăn hàng hoặc đến quán bar với bạn bè. Mỗi lần như vậy, số tiền cô phải bỏ ra khoảng 75,5 USD.
Để có vóc dáng khoẻ đẹp, Joey tham gia các lớp học Muay Thái và có huấn luyện viên riêng. Hai năm trước, cô gái trẻ chuyển ra ở riêng trong căn hộ thuê với giá 745 USD/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng, cô đóng khoảng 226 USD cho bảo hiểm.
Cô còn phải trả tiền thuê nhân viên chiến lược truyền thông, thiết kế đồ hoạ và thiết kế web, phục vụ cho công việc của mình khoảng 3.396 USD.
"Tôi đã làm khá tốt kể từ khi tốt nghiệp. Nhưng gần đây, con chó của tôi phát hiện bị ung thư, về cơ bản, tôi chi gần hết số tiền tiết kiệm của mình để điều trị cho nó", cô cho biết
Ước tính, Joey đã chi gần 15.000 USD cho đến nay để điều trị ung thư cho thú cưng. Hiện tại, mỗi tháng cô trả 754 - 1.509 USD để hóa trị, theo CNA.
Nurul Raiyhani, 27 tuổi, đang trả khoản vay sinh viên trị giá 11.322 USD bằng thẻ tín dụng mỗi tháng. Cô thường trả đúng hạn nhưng đôi khi phải chịu thêm phí vì thanh toán quá thời gian quy định.
Cô cùng chồng chưa cưới đặt tiền mua căn hộ 3 phòng ngủ, giá khoảng 226.500 USD, 3 năm nữa nhận nhà. Riêng khoản tiền dành cho mỹ phẩm mỗi tháng, cô cũng mất khoảng 226 USD. Cô đang vật lộn với thử thách tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng hiện nay.
"Tôi sẽ cố gắng để tiết kiệm hơn, không để chi tiêu mỗi tháng tràn lan như hiện tại", cô nói.
Nhưng áp lực từ bạn bè, nỗi sợ bỏ lỡ khiến cô thêm phân tâm. Ví dụ như khi thấy bạn bè có một món đồ trang điểm nào mới hay chiếc túi xách mới, cô gái cảm thấy như mình đã bỏ lỡ điều gì đáng tiếc lắm.
Những lựa chọn chi tiêu không hợp lý của Joey Lim hay Nurul là điều phổ biến trong giới trẻ Singapore. Điều này khiến họ có nguy cơ cao rơi vào cảnh nợ nần hơn bất cứ thế hệ nào khác. Đó cũng là câu chuyện chia sẻ trong chương trình Talking Point thu hút hơn 238.000 lượt xem trên kênh CNA YouTube.
"Chúng tôi đang sống trong thời đại của mạng xã hội. Nơi mà bạn dễ bị cám dỗ với những trào lưu mới, đồ dùng mới và những thứ đó không hề rẻ"; "Tôi cũng từng mắc phải sai lầm khi sử dụng chương trình mua trước trả sau. Tôi nhận ra mình nên mua những gì phù hợp với túi tiền sẵn có";
"Phần lớn người trẻ tuổi đều không giỏi quản lý tiền bạc, chúng ta chi tiêu quá nhiều vào những thứ không cần thiết. Trong khi đó, vẫn có những người đã cố gắng chi tiêu trong khả năng kiếm được nhưng vẫn gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát"; ... người dùng mạng tại Singapore bình luận.
Dễ mắc nợ hơn các thế hệ trước
Viện Nghiên cứu Chính sách và Talking Point thực hiện cuộc khảo sát với khoảng 860 người trẻ từ 21 đến 29 tuổi về cách chi tiêu vào cuối năm 2022.
Kết quả cho thấy 93% cảm thấy bị ảnh hưởng do chi phí tăng cao, 35% chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Nhiều người thú nhận họ mua hàng nhiều hơn so với ngày trước vì có dịch vụ mua trước trả sau.
Theo Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), các giao dịch mua trước trả sau chiếm khoảng 332 triệu USD vào năm 2021. Cách chi tiêu này đang ngày càng phổ biến, có khả năng khiến người trẻ mắc nợ nhiều hơn.
Aurobindo Ghosh, trợ lý giáo sư tại Đại học Quản trị Singapore cho biết người trẻ hiện nay có nguy cơ mắc nợ nhiều hơn so với các thế hệ trước.
"Một phần nguyên nhân là do họ có cơ hội tiếp cận đến các công cụ tài chính khác nhau. Mặc dù khi sử dụng dịch vụ mua trước trả sau, người dùng có thời gian được miễn lãi nhưng các khoản phí phát sinh thường rất cao nếu không thanh toán đúng hẹn", ông cho biết.
Bryan Quek, tổng giám đốc của nhà cung cấp dịch vụ tiêu trước trả sau Atome Singapore, cho biết việc của họ là đảm bảo người dùng có thể thực hiện các thanh toán. Họ cũng kiểm soát khá chặt chẽ về đối tượng được cấp tín dụng. Theo ông, hơn 1/4 người dùng của Atome Singapore ở độ tuổi từ 21 đến 29.
Bài toán chi tiêu
Trong trường hợp của Joey Lim, cô có thể tìm kiếm đồ gia dụng và đồ đạc đã qua sử dụng cho căn nhà thuê. Việc làm này giúp cô tiết kiệm được khoảng 3.019 USD.
Khi được hỏi tại sao không cắt giảm chi tiêu, Joey Lim cho rằng đây không phải ưu tiên hàng đầu của cô ở thời điểm hiện tại.
"Tôi vẫn sẽ đi taxi, nhưng tôi có thể mua đồ ăn ở quán bán rong ít tiền hơn. Tôi nghĩ, đó là cách sống của mỗi người", cô nói.
Cô cũng cân nhắc chuyển đến sống ở thành phố khác, quốc gia khác có chi phí thấp hơn trong vài năm. Cô đang xem xét đảo Bali ở Indonesia. "Tôi có thể sống ở đó thoải mái hơn với chi phí sinh hoạt thấp hơn", cô chia sẻ.
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)