*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Đặng Nhất, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi năm nay 69 tuổi, đã về hưu được mấy năm. Vợ mất sớm, gia đình con trai sống ở thành phố nên về già tôi chỉ ở một mình. Với mức lương 6.000 NDT/tháng (hơn 21 triệu đồng), tôi góp được một khoản tiết kiệm kha khá nên sống rất ung dung, chẳng phải lo nghĩ gì. Có mấy lần tôi định khoe điều này với con trai nhưng lại bị lão Trần hàng xóm ngăn lại. Lão ấy bảo rằng về già, có những chuyện không nên hết với con cái, nhất là chuyện tiền bạc. Không chỉ lão Trần, mấy ông bạn trong xóm cũng khuyên thế. Tôi ngẫm nghĩ mãi thấy họ nói cũng có lý nên lại quyết định phải giữ miệng.
2 tháng trước, con trai tôi chở 2 đứa cháu về thăm nhà. Lúc đang ăn cơm, nó chợt hỏi về khoản lương hưu của tôi. Nhớ lời dặn của mấy ông bạn, tôi trả lời con: “Lương hưu của bố là 2000 NDT (hơn 7 triệu đồng), cũng đủ sống con ạ”, rồi lái sang câu chuyện khác. Nghe vậy, nó cười gượng rồi lại lân la hỏi tôi về khoản tiền tiết kiệm nhưng cũng bị tôi gạt đi. Con trai tôi thấy tôi như vậy nên cũng không nói gì thêm.
Chuyện dừng lại ở đó cho mãi đến ngày giỗ của vợ, tôi ngóng gia đình con trai về họp mặt mà chẳng thấy đâu nên rất bất ngờ. Không những thế, cả hai vợ chồng cũng chẳng có lấy một cuộc điện thoại hỏi thăm. Đây là chuyện trước giờ chưa từng xảy ra nên tôi cảm thấy khá khó hiểu. Dẫu vậy, tôi vẫn tự an ủi mình rằng có lẽ các con quá bận nên không thể về thăm.
Một tuần sau đó, vì quá nhớ cháu, tôi nảy lên ý định đến thăm con. Nghĩ là làm, tôi nhắn tin thông báo cho con trai rồi lập tức khăn gói bắt chuyến xe sớm nhất để lên thành phố. Cứ ngỡ chuyến thăm lần này cả gia đình sẽ được sum vầy, nào ngờ tôi lại phát hiện ra một sự thật cay đắng.
Thấy tôi đến, vợ chồng con trai không niềm nở như mọi khi mà tỏ ra khá hời hợt, chỉ có cháu trai là vẫn rôm rả kể chuyện ở trường cho tôi nghe. Đến ngày thứ 2, không khí trong gia đình bắt đầu trở nên khá ngột ngạt. Ngoài những lúc tôi chủ động bắt chuyện, vợ chồng con trai gần như không giao tiếp gì với tôi. Không những thế, suốt 1 tuần tôi lên thăm, gần như hôm nào vợ chồng con trai cũng bận công việc, đến tối muộn mới về nhà.
Thấy các con bận rộn như vậy, tôi sợ làm phiền cuộc sống của chúng nên quyết định về quê. Buổi tối cuối cùng ở nhà các con, tôi không đi ngủ sớm như mọi khi mà tranh thủ thu dọn đồ đạc. Lúc đi qua phòng các con để đi vệ sinh, tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa con trai và con dâu. Lúc này tôi mới biết lần trước con trai tôi về quê hỏi tôi chuyện tiền lương là vì muốn vay tôi một ít tiền để mở rộng việc kinh doanh. Biết con trai đang gặp khó khăn, tôi cũng tính trước khi về quê sẽ “dúi” cho con ít tiền. Thế nhưng ngay sau đó, tôi phải vội thay đổi ý định.
Trong đêm tối, những lời con dâu nói ra sau đó khiến tôi sững sờ. Hoá ra, việc cả hai hờ hững với chúng tôi đều là có chủ đích. Con dâu trách móc tôi có tiền mà không chịu giúp, đã thế còn đến làm phiền. Con trai tôi cũng hùa vào, bảo nếu tôi không sẵn sàng giúp đỡ thì sau này về già cũng đừng trông mong nhờ vả được bất cứ điều gì.
Nghe những lời này, tôi vừa tức giận, vừa đau lòng. Lúc đầu, tôi thấy mình cũng sai khi không giúp được các con. Thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi lại thấy lão Trần và những ông bạn khác nói đúng. Quyết định nói dối tiền lương đã giúp tôi có cơ hội nhìn rõ “tấm lòng” của con mình. Nếu không tự mình nghe thấy những lời các con nói ra, tôi vẫn nghĩ bấy lâu nay các con tốt với mình là vì chữ “hiếu”.
Sau sự việc này, tôi cũng nhận ra rằng cuộc sống về sau chẳng thể nhờ vả con cái. Cũng may tôi vẫn có một khoản tiền dự trữ kha khá cho mình nên tuổi già không phải lo nghĩ. Đến cuối cùng, tôi mới hiểu ra rằng không phải con cái mà chính chúng ta mới là người quyết định cuộc sống của chúng ta sau này. Nếu không muốn giao cuộc đời mình cho người khác thì bản thân mình phải chủ động ngay từ đầu.
Theo Ánh Lê (Nguoiduatin.vn)